Doanh nghiệp ngành phân bón lãi kỷ lục trong năm 2021

(CL&CS) - Sản xuất kinh doanh hiệu quả khi giá phân bón tăng cao đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau... đạt lợi nhuận kỷ lục 10 năm.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành phân bón báo lãi lớn là nhờ hoạt động sản xuất và kinh doanh triển khai tốt trong lúc giá phân bón tăng cao.

Lợi nhuận kỷ lục

Năm 2021, Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM ) ước tính tổng doanh thu lên đến 12.826 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 3.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 60% và 324% so với năm 2020. Khoản lợi nhuận này xác lập mức kỷ lục của Đạm Phú Mỹ trong vòng 10 năm qua. Nhờ đó, công ty vượt 54% chỉ tiêu doanh thu và gấp 8,2 lần mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tương tự, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 cũng cho thấy nhiều chỉ số tăng trưởng tốt. Trong đó, tổng doanh thu đạt khoảng 10.011 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt hơn 1.800 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu này lần lượt tăng 32% và đạt gấp 2,7 lần so với năm liền trước. Đạm Cà Mau vượt 9% mục tiêu doanh thu và vượt 110% kế hoạch lợi nhuận cả năm, dù công ty vừa mới điều chỉnh nâng hai chỉ tiêu gấp 4 lần kế hoạch cũ.

Cũng có kết quả kinh doanh tích cực, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính doanh thu hợp nhất năm qua đạt mức kỷ lục 51.200 tỷ đồng. Mức này vượt 16% so kế hoạch cả năm và tăng 24% so với năm 2020.

Các đơn vị thuộc Vinachem cũng có doanh thu tăng mạnh trong năm qua như Đạm Ninh Bình (tăng 110,9%), Phân bón và Hóa chất Cần Thơ (tăng 52,3%), DAP số 2 - Vinachem (tăng 69,1%), Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (tăng 53,1%), DAP - Vinachem (tăng 55,1%), Phân bón Bình Điền (tăng 44%).

Bên cạnh đó, ngành phân bón còn ghi nhận những cái tên báo lãi bằng lần khác như SFG, LAS, DDV, PCE hay PMB.

Tăng trưởng nhiều nhất chính là Công ty CP Phân Bón Miền Nam (HOSE: SFG). Doanh thu tăng gấp rưỡi và lãi gộp tăng 65% giúp SFG đạt gần 35 tỷ đồng lãi ròng, gấp 11 lần so với năm 2020.

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) cũng báo lãi ấn tượng gấp 8 lần, đạt 67 tỷ đồng. Sau một năm kinh doanh đi lên của LAS, cổ đông lớn Vinachem dự kiến thoái hơn 21 triệu cp (18.9% vốn) qua hình thức đấu giá, dự kiến tổ chức lần 2 vào ngày 4/3/2022.

Nguyên nhân chính giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành này báo lãi lớn là nhờ hoạt động sản xuất và kinh doanh triển khai tốt trong lúc giá phân bón tăng cao. Giá nhiều loại chất dinh dưỡng cho cây trồng đã tăng tới 150% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu phân bón toàn cầu tăng đột biến trong khi nguồn cung giảm mạnh.

Dự báo giá phân bón sẽ hạ nhiệt 

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá năm 2021 doanh nghiệp trong ngành phân bón đã kết quả tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên mọi thứ được dự báo sẽ không còn thuận lợi nhiều từ 2022 khi giá cả hàng hóa, cũng như các yếu tố hỗ trợ đà tăng phân bón không còn hiện hữu.

Theo VDSC, dưới tác động của đại dịch COVID-19, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã đẩy giá phân bón lên cao.

Tuy nhiên dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, các chuyên gia phân tích cho rằng những yếu tố thúc đẩy giá phân bón sẽ dần biến mất. Do đó, giá phân bón được dự báo sẽ hạ nhiệt vào năm 2022.

Theo xu hướng tăng cao của giá phân bón, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón ghi nhận kết quả khả quan trong năm 2021 nhưng lợi nhuận dự báo sẽ giảm khi giá phân bón nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt vào năm 2022.

Trong đó, các công ty sản xuất phân urê sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhất. Theo VDSC, trong giai đoạn giá phân bón tăng, các công ty sản xuất urê có biên lợi nhuận gộp cải thiện nhiều nhất, tiếp đến là các công ty sản xuất DAP. Trong khi đó, các công ty sản xuất phân bón NPK gặp khó khăn để duy trì biên lợi nhuận.

Nhóm phân tích của VDSC cho rằng, trong trường hợp giá phân bón giảm, biên lợi nhuận của nhà sản xuất urê sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khi các nhà sản xuất khác sẽ thấp hơn. Khi đó, lợi nhuận của công ty urê sẽ giảm sâu hơn các doanh nghiệp khác; còn các công ty sản xuất NPK có thể điều chỉnh chiến lược tồn kho để giữ tỷ suất lợi nhuận ổn định.

Công ty CP Chứng khoán KIS cũng đưa ra nhận định, Chính phủ có thể can thiệp vào giá bán phân bón cho lúa được xem như một mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu hụt lương thực hậu COVID-19, do đó Chính Phủ có thể ban hành những quy định buộc các công ty sản xuất phân bón hạ giá bán để hỗ trợ người nông dân. Trong bối cảnh đó, mặc dù có lợi thế về gia tăng sản lượng, lợi nhuận của các công ty sản xuất phân bón có thể không đạt kỳ vọng vì giá bán không hấp đẫn.

TIN LIÊN QUAN