Doanh nghiệp khoa học công nghệ còn hạn chế trong tiếp cận ưu đãi

(CL&CS)- Các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc tiếp cận ưu đãi với các doanh nghiệp này vẫn còn khó khăn.

Đa số doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi

Cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN đã được quy định cụ thể tại Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ kết quả KHCN được cấp giấy chứng nhận KHCN sẽ được hưởng các chính sách như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng… cùng nhiều chính sách ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…

Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam (VST) cách đây không lâu đối với 167 doanh nghiệp thành viên, đa số doanh nghiệp không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 13. Cụ thể, mới có 6 doanh nghiệp được ưu đãi theo Nghị định 13 với tổng số tiền ưu đãi là 91 tỷ đồng; 18 doanh nghiệp chưa biết tiếp cận cơ chế ưu đãi như thế nào; 1 doanh nghiệp có doanh thu sản phẩm khoa học công nghệ không đủ tỷ lệ 30% để nhận ưu đãi; 141 doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi.

Hay Nghị định số 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN dù được đánh giá cao và cũng đã phát huy hiệu quả nhất định nhưng kết quả đạt được vẫn còn khiếm tốn so với quy mô cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp. Dự thảo báo cáo tổng kết đánh giá Nghị định 95 của Bộ KHCN cho biết, theo số liệu tổng hợp báo cáo từ các địa phương, tổng ngân sách sự nghiệp chi cho đầu tư phát triển KHCN giai đoạn 2016-2020 là hơn 10.627 tỷ đồng. Về trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, số tiền và số doanh nghiệp trích lập Quỹ không nhiều; việc sử dụng số tiền từ Quỹ chi cho hoạt động KHCN chỉ đạt 60%.

Báo cáo Quốc hội mới đây của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho biết, theo số liệu khảo sát của các Sở KHCN, đa số doanh nghiệp vẫn hoạt động theo hướng truyền thống, chưa tìm hiểu cũng như chưa chú trọng vào thành lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp. Một số ít doanh nghiệp thực hiện trích lập Quỹ phục vụ mục đích trang bị cơ sở vật chất, mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ hoặc trả lương chuyên gia, đào tạo nhân lực và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, báo cáo cho hay, theo ý kiến của doanh nghiệp, cơ chế hiện hành đang không cho phép doanh nghiệp chi từ Quỹ này về hỗ trợ hội nhập quốc tế KHCN, khen thưởng hay bảo hộ sở hữu trí tuệ…

Theo các doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất là khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ và thực thi còn nhiều thách thức. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, ngân sách cho hoạt động KHCN còn hạn chế trong khi thủ tục nhiều khó khăn để tiếp cận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn cho rằng, chưa có cơ chế thiết thực để bảo hộ thị trường, công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm mới… cùng việc chưa ban hành đầy đủ các chính sách để hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Cần sửa đổi và ban hành thêm chính sách

Giải quyết được những vướng mắc và hạn chế đang tồn tại là vấn đề được các doanh nghiệp rất quan tâm, nhất là khi thị trường và KHCN đang thay đổi nhanh chóng.

Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch VST cho rằng, các tổ chức thuộc Bộ KHCN cần tăng cường phối hợp với các cơ quan trung ương để tổ chức, tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định 13, bảo đảm doanh nghiệp KHCN đều được hưởng lợi từ Nghị định này. Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc kiến nghị tăng cường nguồn kinh phí cho nghiên cứu cho các doanh nghiệp KHCN. Đồng thời cần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp KHCN giao lưu, kết nối, chia sẻ những hoạt động sản xuất kinh doanh của mình với các đơn vị trên cả nước cũng như ban hành thêm các chính sách mới về ưu đãi đất đai, về tín dụng đầu tư như giảm các thủ tục tiếp cận vay ưu đãi tại Nghị định ưu đãi tín dụng đầu tư.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn có thêm nguồn vốn ưu đãi cho KHCN, chẳng hạn như có chính sách bảo lãnh đối với doanh nghiệp KHCN khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng, hoặc đưa ra những chính sách tín dụng đặc thù với lãi suất thấp và ít tỷ lệ đảm bảo…

Hiện Bộ KHCN cũng đang đề xuất sửa đổi một số cơ chế chính sách liên quan đến KHCN, trong đó có việc sửa đổi Nghị định 95 theo hướng tạo thuận lợi cho việc chi và phẩn bổ ngân sách cho KHCN cũng như tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp…

TIN LIÊN QUAN