Doanh nghiệp gỗ đối diện với nhiều khó khăn

(CL&CS)- Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất.

50% doanh nghiệp gỗ dừng sản xuất

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%, lâm sản ngoài gỗ đạt 0,79 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Năm 2021 ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tương đương so với năm 2020, khoảng trên 15% do có nhiều thuận lợi như tác động của Hiệp định thương mại tự do như EVFFTA với EU, CPTPP, các hiệp định thương mại song phương… Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác, có nhiều đơn hàng, hợp đồng được đề nghị cung cấp sản phẩm đến cuối năm 2021.

Tuy nhiên đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam, nơi tập trung trên 70% tổng số doanh nghiệp ngành gỗ, với giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của cả nước.

Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có hơn 50% doanh nghiệp phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất. Do vậy, trong 3 tháng gần đây, giá trị xuất khẩu đã có sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng 6,7,8 giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó. Riêng tháng 8 ước giảm hơn 22% so với tháng 7.

Ông Đỗ Xuân Lập cho biết, kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất.

Những doanh nghiệp này đang đối diện nguy cơ phá sản do vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi suất ngân hàng… Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường.

Chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, “2 tại chỗ” đã tăng khoảng 20-30%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây thực sự là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vaccine rất thấp. Điển hình như ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định là những địa phương thuộc vùng dịch, nhưng  đến cuối tháng 8/2021 mới có khoảng 15-20% người lao động được tiêm vaccine.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) nhấn mạnh: "Vô cùng khó khăn nhưng đến nay doanh nghiệp cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào, chưa được giảm lãi suất. Cùng với đó là chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần). Điển hình giá cước vận tải tới các cảng bờ phía Đông nước Mỹ đã lên tới 18.000 – 20.000 USD/1 container. Với mức cước này, đã có một số nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung ứng khác có cước phí vận tải thấp hơn”.

“Với những khó khăn trên, hầu hết doanh nghiệp không hoàn thành các đơn hàng đã nhận, hoặc phải giãn thời gian giao hàng” - ông Quân khẳng định.

Đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam.

Nhiều kiến nghị “cứu” doanh nghiệp gỗ

Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, người lao động thì ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD trong năm nay.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), trong bối cảnh hiện nay, tiêm vắc xin là ưu tiên hàng đầu. Tiêm vắc xin cho người lao động mới có thể thực hiện được “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, ông Đỗ Xuân Lập nêu rõ đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế.

Các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vắc xin cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp.

Đồng thời, đề nghị các địa phương cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn áp dụng phương thức “3 tại chỗ” hoặc “2 tại chỗ” tùy theo tình hình thực tế.

Còn về vấn đề tín dụng, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay.

Đồng thời giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để doanh nghiệp có đủ thời gian ổn định sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3-6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, với mức lãi suất thấp từ 2-3%.

Riêng về cước phí vận chuyển, doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan làm việc với các hãng tàu lớn yêu cầu có lộ trình giảm cước phí vận tải biển; có giải pháp khuyến khích phát triển các đội tầu trong nước hoặc và vận tải bằng các hình thức khác như đường sắt liên vận…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Bộ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch.

Theo đó, kịch bản hướng đến việc không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau; vừa đảm bảo sản xuất, đảm bảo an toàn, vừa tận dụng những lợi thế, cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu và có nhu cầu cao về đồ gỗ như hiện nay.

TIN LIÊN QUAN