Khởi đầu của CI5 là Công ty Xắp lắp Hóa chất Miền Nam thuộc Tổng cục Hóa chất Việt Nam. Sau vài lần thay tên, đến năm 2005, công ty trở thành CTCP Đầu tư Xây dựng số 5 như hiện nay và có trụ sở tại 22 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM.
Hoạt động chính của công ty là xây dựng, vật liệu xây dựng, cho thuê mặt bằng… Do có nguồn gốc là công ty Nhà nước nên công ty thuê được nhiều mảnh đất vàng và cho thuê lại. Đơn cử như tại văn phòng 22 Lý Tự Trọng, công ty thuê từ Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM với diện tích 785,28 m2. Mảnh đất 9X Chu Văn An với diện tích 2.224,7 m2 được thuê với giá 550 triệu đồng và cho thuê lại với giá 715 triệu đồng. Đất, nhà xưởng tại Biên Hòa với diện tích 24.660,9 m2 được thuê 894 triệu và cho thuê lại với giá 3.662 triệu đồng.
Đây cũng là hoạt động “cứu cánh” giúp công ty không phải chịu cảnh thua lỗ khi mảng xây dựng ngày càng teo tóp về doanh thu lẫn lợi nhuận mặc dù công ty liên tục chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ 2012 đến 2016, CI5 đã nhiều tăng vốn bằng hình thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, trong đó có công ty mẹ là Tổng CTCP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) - đơn vị có 82,75% vốn điều lệ thuộc Bộ Công thương. Vốn điều lệ lẫn vốn chủ sở hữu ngày càng tăng lên nhưng hiệu quả kinh doanh càng đi xuống và cổ tức cũng mất hút.
Thật vậy, sau khi tăng vốn lên 27 tỷ đồng vào năm 2016 thì từ đó đến nay, doanh thu và lợi nhuận của công ty toàn đi lùi. Nếu năm 2016, doanh thu đạt 554 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,2 tỷ đồng và giảm dần đều đến năm 2021, doanh thu còn 76,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 187 triệu đồng.
Hơn mười mấy năm qua, ông Nguyễn Văn Khương là người lèo lái con thuyền CI5 trên cương vị thành viên HĐQT kiêm Giám đốc. Theo điều tra của phóng viên, ông Nguyễn Văn Khương - từng nắm chức vụ Bí thư Đảng ủy công ty - đã có đơn xin ra khỏi Đảng với lý do: “Gia đình vợ có người nhà bên Mỹ. Đang làm thủ tục cho con đi du học tại Mỹ, đi lại thường xuyên để chăm sóc con, việc này ảnh hưởng đến công tác sinh hoạt và học tập của người đảng viên”.
Vào ngày 10/10/2018, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Công nghiệp Trung ương tại TP.HCM đã ra quyết định đồng ý cho ông Nguyễn Văn Khương ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng sau ngày 10/10/2018, ông Nguyễn Văn Khương vẫn tiếp tục tại vị chức vụ thành viên HĐQT đến ngày 26/4/2021 và Giám đốc đến ngày 1/5/2021 khiến kết quả kinh doanh của CI5 ngày càng tụt dốc không phanh.
Khi công ty kinh doanh ngày càng đi lùi thì ông Nguyễn Văn Khương lại trốn tránh trách nhiệm bằng việc từ chức, để lại muôn vàn khó khăn cho CI5. Trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Khương tại CI5 như thế nào cần có sự vào cuộc của cơ quan chủ quản để đảm bảo hiệu quả đồng vốn của Nhà nước và cổ đông đã đầu tư.