Doanh nghiệp cần nhất lúc này là hỗ trợ về cơ chế, thủ tục hành chính để phục hồi sản xuất

(CL&CS) - TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, gói hỗ trợ quan trọng nhất bây giờ là hỗ trợ về cơ chế thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh các dự án.

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức số hóa, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và duy trì được sản xuất kinh doanh

Doanh nghiệp vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn

Tại Hội thảo trực tuyến “Nhìn lại kinh tế vùng năm 2021 và kịch bản năm 2022”, TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, 2021 là năm gặp rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Lộc dẫn lại số liệu của Tổng cục Thống kê, có tới 94% doanh nghiệp gặp phải khó khăn, mỗi tháng có khoảng 1 vạn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tại các tỉnh phía Nam, 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc giãn cách kéo dài dẫn đến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất đình trệ, hệ thống giao thông vận tải hàng hóa bị gián đoạn, ở nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh ở trạng thái ''đóng băng'' hoặc suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt thời kỳ đỉnh dịch ở quý 3.

Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ Võ Thị Thu Hương cũng cho biết, quý 3, vùng ĐBSCL có 981 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 19.700 tỷ đồng. Trong tháng 11, riêng vùng ĐBSCL có 7.533 doanh nghiệp thành lập mới và 8.955 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ làm thủ tục giải thể.

Theo bà Hương, trong bối cảnh cả nước tăng trưởng cả xuất khẩu và nhập khẩu thì ĐBSCL lại chịu tác động tiêu cực nhiều trong quý 3; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng trong tháng 9 thấp nhất trong 9 tháng năm 2021, với giá trị chỉ hơn 1 tỷ USD (thấp hơn cả tháng 2, thời điểm Tết Nguyên đán).

Hiện, ĐBSCL vẫn đang đối mặt với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khi mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, ông Võ Quốc Thắng cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An. Một số doanh nghiệp ngừng hoạt động do không đủ điều kiện tổ chức hoạt động “3 tại chỗ” hoặc tự chủ động xin tạm dừng hoạt động.

Sau khi tỉnh Long An ban hành kế hoạch về việc điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, đã có 95% số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với khoảng 330.000 lao động. Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp là tình trạng thiếu lao động từ 10-20% và việc phục hồi năng suất đạt từ 70 - 80% so với trước dịch.

Doanh nghiệp cần thích ứng với hoàn cảnh mới

Ông Võ Quốc Thắng khuyến nghị doanh nghiệp cần xác định tư tưởng sống chung với đại dịch và cần phải chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để vừa làm việc vừa chống dịch. Ngoài ra, doanh nghiệp cần mạnh dạn chuyển đổi số và tháo gỡ khó khăn bằng những chính sách thiết thực, thể hiện tầm tư duy mới theo hướng thị trường, khuyến khích tự do.

Tuy chịu nhiều ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhưng theo bà Hương thì vùng đang có những lợi thế nhất định trong khai thác các FTA thế hệ mới, đặc biệt đối với mặt hàng thế mạnh như nông thuỷ sản, may mặc. Vì vậy, doanh nghiệp vùng phải có sự linh hoạt trong việc tái cấu trúc chi phí, lao động để duy trì hoạt động, phòng tránh rủi ro để bảo toàn vốn được xem là ưu tiên hàng đầu.

Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện nay các địa phương đã có kế hoạch hồi phục nền kinh tế, Chính phủ đang trình Quốc hội những gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, kích thích nền kinh tế. Tùy thuộc vào khả năng của ngân sách Nhà nước và đảm bảo hiệu quả, đặc biệt là phải đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu quan trọng bậc nhất là duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô…

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, sự điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch gần đây là tín hiệu tích cực và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có những nỗ lực vượt bậc. Phần lớn các doanh nghiệp đã tích cực chuẩn bị các phương án, kế hoạch mới nhằm thích ứng nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay. 

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức số hóa, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và duy trì được sản xuất kinh doanh…

Theo ông Vũ Tiến Lộc, gói hỗ trợ quan trọng nhất chính là những cải cách mạnh các thủ tục hành chính trong quá trình kinh doanh để trợ cho doanh nghiệp.

“Hỗ trợ về tiền bạc là cần thiết, nhưng cần thiết nhất là sự hỗ trợ về cơ chế thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh các dự án”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

TIN LIÊN QUAN