Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu

(CL&CS) - Ngày 21/4, tại TP Hà Nội diễn ra Hội thảo “Báo cáo đánh giá tác động thuế suất tối thiểu toàn cầu và chủ trương, chính sách Việt Nam chủ động tham gia thuế suất toàn cầu” do Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, để thu hút FDI, các quốc gia đã nới lỏng các quy định đầu tư, bao gồm cả thuế suất dẫn đến một cuộc chạy đua xuống đáy của thuế ưu đãi, nhất là khi thuế cắt giảm ngày càng nhiều. Thuế tối thiểu toàn cầu 15% được xác lập sẽ chấm dứt cuộc đua này; đồng thời có thể làm đảo lộn các tính toán về địa điểm đầu tư và cách thức các công ty toàn cầu, tập đoàn đa quốc gia.

Toàn cảnh Hội thảo “Báo cáo đánh giá tác động thuế suất tối thiểu toàn cầu và chủ trương, chính sách Việt Nam chủ động tham gia thuế suất toàn cầu” ngày 21/4.

Theo báo cáo tại hội thảo cho biết, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, chúng ta đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài như: ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn. Do vậy, thuế thực tế với các doanh nghiệp FDI trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%.

Trên thế giới đã, đang ủng hộ, và cam kết thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu theo đúng lộ trình để áp dụng từ 1/1/2024. Các chuyên gia, các nhà khoa học tại hội thảo đồng quan điểm cho rằng, Việt Nam không thể đứng ngoài mà cần nhanh chóng nghiên cứu, triển khai sớm thuế tối thiểu nội địa để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung, góp phần tăng thu cho ngân sách, đồng thời giữ được sự cạnh tranh trong môi trường đầu tư.

Các chuyên gia chia sẻ, thảo luận.

Ngược lại, Việt Nam không tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, toàn bộ số thu chênh lệch sẽ chuyển về các quốc gia có công ty mẹ. Theo Bộ Tài chính, hiện có ít nhất 70/1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này. Nếu các quốc gia có công ty mẹ cùng thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, họ sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch hơn 12.000 tỷ đồng của năm 2024.

Theo Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, không có bằng chứng nào cho thấy ưu đãi thuế làm tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN, thậm chí thực tế còn ngược lại. Hầu hết các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại ở ASEAN không nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn. Thay vào đó được sử dụng để khỏa lấp cho những yếu kém trong năng lực quản trị và cơ sở hạ tầng, và đáp ứng mong muốn ngắn hạn của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế thậm chí đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Để bảo vệ nguồn thu và thúc đẩy thu hút đầu tư tại Việt Nam, Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển khuyến nghị cần đẩy nhanh truyền thông chính sách, thúc đẩy nghiên cứu xây dựng chính sách ứng phó với tác động của Trụ cột II trong ngắn hạn và dài hạn. 

Cụ thể, xây dựng đề án về Thuế suất tối thiểu toàn cầu trong quý II/2023 trình Thủ tướng Chính phủ; có thể bắt đầu thí điểm từ tháng 11/2023 và mở rộng hơn với tháng 12/2023 và thông báo chính thức chủ trương vào 1/1/2024 khi thuế suất tối thiểu toàn cầu có hiệu lực. Trong dài hạn, xem xét cải cách hệ thống thuế và các ưu đãi thuế nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Trụ cột II, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

Trước đó, tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án “Nghiên cứu phản ứng chính sách ứng phó của một số quốc gia trên thế giới về thuế tối thiểu toàn cầu và bài học kinh nghiệm với Việt Nam”, Quyết định số 308/QĐ-TTg, ngày 28/03/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, chủ tịch hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia chủ trì họp về thuế suất ngày 31.3,2023, kết luận cuộc họp, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của đại biểu tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo của Bộ Tài Chính. Báo cáo của Bộ Tài Chính cần bao quát hết các vấn đề phát sinh để đề xuất, kiến nghị các giải pháp thật phù hợp trong thời gian tới, đồng thời báo cáo phải được bố cục chặt chẽ, rõ ràng hơn.\

Theo đó tập trung nêu bật các vấn đề cốt lõi, trong đó có phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến: Ngân sách nhà nước; nhà đầu tư; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam; Giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là giải pháp đối với những đối tượng bị tác động cần cụ thể rõ ràng, phân tích kỹ tác động.

TIN LIÊN QUAN