Địa phương duy nhất miền Bắc có đủ 5 loại hình giao thông quan trọng, tương lai có sân bay quy mô 6.000ha lớn nhất vùng

Đây là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ chính của cả miền Bắc, kết nối với các tỉnh ven biển duyên hải Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội.

Hải Phòng ngày nay vốn là quê hương của vương triều nhà Mạc. Năm 1527, Mạc Đăng Dung sau khi dẹp các bè phái trong cung đình đã ép vua Lê Cung Hoàng của nhà Hậu Lê nhường ngôi.

Vị Thái Tổ sáng lập ra nhà Mạc được sinh thành ở đất Cổ Trai, huyện Nghi Dương, nay là huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng. Năm 1529, Mạc Thái Tổ nhường ngôi cho con trai cả là Mạc Đăng Doanh để về quê hương làm thái thượng hoàng. Ông cho xây dựng tại đây một kinh đô thứ hai là Dương Kinh, tồn tại song song với kinh thành Thăng Long.

Ngày nay, Hải Phòng là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, có cảng biển lâu đời, là một trong rất ít địa phương có đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia (duy nhất tại miền Bắc) hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng bao gồm: đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không.

Hải Phòng là địa phương duy nhất tại miền Bắc có đủ 5 loại hình giao thông quan trọng

Lợi thế đó đưa Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ chính của cả miền Bắc, kết nối với các tỉnh ven biển duyên hải Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội, đặc biệt là đầu mối của các tuyến giao thông hàng hải quốc tế luôn nhộn nhịp hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực phía Bắc.

Giao thông vận tải luôn là ưu thế vượt trội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giao thương trong nước và quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và quốc gia.

Đường bộ

Các tuyến đường huyết mạch nối Hải Phòng với các tỉnh thành khác bao gồm quốc lộ 5, quốc lộ 10, quốc lộ 37 và các tuyến đường cao tốc như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Hiện 5 hành lang kinh tế tạo bộ khung phát triển cho các tỉnh phía Bắc đều đi qua hoặc kết nối với Hải Phòng. Đó là hành lang Hà Nội - Hải Phòng theo quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hành lang kinh tế nội thành Hà Hội - Nội Bài - Hạ Long; hành lang kinh tế Hà Nội - Việt Trì qua TP Vĩnh Yên theo đường cao tốc mới; hành lang kinh tế ven biển (Móng Cái - Quảng Ninh - Hải Phòng - Kim Sơm - Ninh Bình); hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn theo tuyến quốc lộ 1.

"Nói cách khác, Hải Phòng là của cả nước, của khu vực và là cửa ngõ quốc gia. Các hành lang kinh tế cuối cùng sẽ đổ về Hải Phòng để tỏa đi khắp thế giới", Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương từng khẳng định, theo Báo Đầu tư.

Là nơi toàn bộ các nhánh hạ lưu của sông Thái Bình đổ ra biển nên Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc. Chính vì điều đó, việc xây dựng cầu đường trở nên rất quan trọng đối với thành phố.

Một số công trình cầu tiêu biểu như: cầu Bính bắc qua sông Cấm nối giữa quận Hồng Bàng và huyện Thủy Nguyên, được cho là một trong những cây cầu đẹp nhất Đông Nam Á; cầu Lạc Long bắc qua sông Tam Bạc, thuộc quận Hồng Bàng, và được xem đây là cây cầu có đường dẫn đẹp nhất thành phố; cầu Quay còn gọi là cầu Xe Lửa, bắc qua sông Tam Bạc, "cây cầu lịch sử" được xây dựng vào thời thời Pháp thuộc...

Cầu Hoàng Văn Thụ được ví là cánh chim biển. Ảnh: Hồng Phong/Báo Lao động

Về giao thông đô thị, Hải phòng có khoảng 600 tuyến phố, nằm trong 7 quận nội thành. Đường dài nhất là đường Phạm Văn Đồng, dài 14,5km. Ngắn nhất là phố Đội Cấn, nối từ phố Lê Lợi đến phố Lương Văn Can thuộc quận Ngô Quyền, chỉ dài hơn 70 mét. Hầu hết các quận huyện của Hải Phòng đều có các bến xe vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Đường biển

Hải Phòng có vị trí chiến lược, là cửa ngõ ra biển kết nối với thế giới của cả miền Bắc. Do vậy, hệ thống cảng biển của thành phố được chú trọng đầu tư mở rộng từ rất sớm. Đầu thế kỷ XX, cảng Hải Phòng đã có mối quan hệ gắn bó với nhiều cảng lớn ở Đông Nam Á, châu Á, châu Đại Dương, Bắc Mỹ, ven Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải, Đại Tây Dương, biển Bắc Âu...

Cảng Hải Phòng là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia

Cùng với cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng là một trong hai hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam, hiện đang được Chính phủ nâng cấp. Cảng nằm trên tuyến đường giao thông trên biển, kết nối Singapore với Hong Kong và các cảng của Đông Á và Đông Bắc Á. Cảng Hải Phòng có khả năng tiếp nhận khoảng 10 triệu tấn/năm, trong đó, chi nhánh cảng Hoàng Diệu chiếm gần 60% lượng hàng hóa bốc xếp.

Ngoài ra, ở Hải Phòng còn có hơn 20 bến cảng khác với các chức năng khác nhau, như vận tải chất hóa lỏng (xăng, dầu, khí đốt), bến cảng đóng tàu, bến cho tàu vận tải đường sông nhỏ có trọng tải 1-2 tấn như cảng sông Vật Cách, cảng sông Sở Dầu...

Đường sắt

Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng được thực dân Pháp khởi công xây dựng từ năm 1901. Đến năm 1902, toàn tuyến được chính thức đưa vào khai thác. Tuyến đường sắt này dài 102km đi qua 4 tỉnh thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Đây cũng là một cạnh tam giác phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Điểm đầu tuyến đường sắt là ga Hà Nội và điểm cuối là Ga Hải Phòng.

Cùng với ga Huế và ga Nha Trang, ga Hải Phòng nằm trong số ít những ga đường sắt vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét kiến trúc thời Pháp thuộc.

Đường thủy nội địa

Hoạt động vận tải đường thủy nội địa là một mắt xích quan trọng trong phát triển logistics của Hải Phòng. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, tuyến vận tải này hoạt động chưa hiệu quả, mới chỉ đạt khoảng 2% trên tổng sản lượng hàng hóa container thông qua cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Với lợi thế có mạng lưới đường thủy nội địa dài gần 2.700km, chiếm khoảng 40% tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước, cùng quyết định giảm phí mới thực thi, nhiều chuyên gia logistics kỳ vọng Hải Phòng sẽ mở rộng thu hút được hàng container đi bằng đường thủy giảm tải cho vận tải đường bộ.

Đường hàng không

Sân bay quốc tế Cát Bi

Hải Phòng hiện chỉ có một sân bay phục vụ dân sự và sân bay quốc tế Cát Bi là sân bay đầu tiên của miền Bắc. Sân bay nằm cách trung tâm thành phố 8km, cách cảng biển Hải Phòng 6km. Tiền thân của Cát Bi là sân bay quân sự, được xây dựng trong thời kỳ Pháp thuộc, bị chiến tranh tàn phá, sân bay hư hỏng nặng.

Năm 1985, sân bay được sửa chữa, cải tạo cho mục đích sân bay dân sự. Hơn 10 năm sau, sân bay được cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và nhà ga. Đến năm 2016, sân bay Cát Bi trở thành cảng hàng không quốc tế.

Bên cạnh đó, thành phố có dự án nâng cấp sân bay xây dựng một cảng hàng không quốc tế Hải Phòng dự kiến đặt tại huyện Tiên Lãng. Đây là dự án có khả năng sẽ là sân bay lớn nhất tại miền Bắc với quy mô khoảng 6.000ha với tổng vốn đầu tư dự tính hiện thời qua 3 giai đoạn đến 2030 là hơn 8 tỷ USD.