So với số liệu được công bố tính đến 20/6, chỉ trong 10 ngày, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 87 ngàn tỷ đồng, trong khi đó lượng tiền gửi tăng thêm là hơn 59 ngàn tỷ đồng. Điều này rõ ràng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động đối với các ngân hàng có thể giải ngân tín dụng được trong giai đoạn qua.
Trên thực tế, các ngân hàng thương mại cũng đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong quý 2 và có mức chênh lệch khoảng 30-50 điểm cơ bản giữa lãi suất thực tế và niêm yết, thông qua các chương trình khuyến mãi cũng như cộng thêm phần trăm lãi suất dành cho gửi online.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng kênh phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở, với kỳ hạn linh hoạt 7 - 28 ngày. Cụ thể, kênh điều tiết này đã phát hành tổng 21,8 ngàn tỷ đồng tín phiếu 7 ngày với lãi suất 0,65%, 78 ngàn tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 0,9% và 39,9 ngàn tỷ đồng lãi suất 1,5% trong khi có 72,6 ngàn tỷ đồng đáo hạn. Kênh mua kỳ hạn được sử dụng chủ yếu vào các phiên đầu tuần, với tổng khối lượng phát hành là 793 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%.
Tính chung trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng 66,8 ngàn tỷ đồng. Nhìn chung, thanh khoản trong hệ thống vẫn tương đối dồi dào và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng không có nhiều thay đổi so với tuần trước đó. Kết tuần, lãi suất kỳ hạn qua đêm ghi nhận ở 0,93% (tăng 5 điểm cơ bản) trong khi lãi suất kỳ hạn 1 tuần không thay đổi, ở mức 1,52%. Chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn đang duy trì ở mức âm khoảng 60 điểm cơ bản.
Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI nhận định, trong nửa cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm và hoạt động trong 6 tháng cuối năm được Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào cuối tuần này kỳ vọng sẽ có những thông báo rõ ràng hơn về chính sách tín dụng trong thời gian tới.