Dòng tiền để duy trì hoạt động thiếu hụt nghiêm trọng
Trong buổi đối thoại chuyên đề “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích”, đối với ngành hàng không, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết: Khi Vietravel Airlines ra đời, nhiều chuyên gia lúc đó dự báo, năm 2021 hàng không sẽ khôi phục trở lại nhưng thực tế năm 2021 tình hình còn tệ hơn. Vietravel Airlines chỉ bay được đến tháng 5, phải dừng. Hàng trăm phi công tạm nghỉ. Hàng trăm máy bay nằm im trên đường băng, gây ra tổn thất tài chính vô cùng lớn.
“COVID-19 vượt qua tất cả những khó khăn trong lịch sử như năm 2008 khủng hoảng kinh tế thế giới, dịch bệnh SARC... COVID-19 đẩy du lịch về con số 0 tròn trĩnh” - Chủ tịch HĐQT Vietravel nhấn mạnh.
Theo TS Bùi Doãn Nề - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), đợt dịch bùng phát thứ 3, thứ 4 rơi vào mùa cao điểm du lịch, dẫn đến doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2021 của ngành hàng không giảm 90% so cùng kỳ.
Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam đã giảm trên 60% và dự ước năm nay tiếp tục giảm so với năm ngoái, đặc biệt khoản lỗ năm nay có thể lớn hơn khoản lỗ của năm ngoái tới 16.000 tỷ đồng.
Các hãng bay bằng mọi biện pháp đã cắt giảm chi phí tối đa. Nhưng do đặc thù riêng, doanh thu giảm nhưng các hãng hàng không vẫn phải chi trả những khoản tiền lớn như thuê máy bay, trả lãi vay ngân hàng, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu - bảo dưỡng, trả lương nhân viên… Nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả. Bên cạnh đó, lực lượng lao động, thiết bị luôn phải duy trì trạng thái tốt nhất, luôn sẵn sàng khởi động lại ngay khi thị trường phục hồi.
Dòng tiền hoạt động của các doanh nghiệp này thiếu hụt nghiêm trọng. Các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật, thương mại, công nghiệp phụ trợ, sản xuất suất ăn hàng không, đào tạo và logistics liên quan lĩnh vực hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
TS Bùi Doãn Nề lo ngại: Thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, thị trường nội địa đang từng bước nối lại. Nhưng những quy định về vận chuyển, "hộ chiếu vắc-xin", kiểm dịch chưa được thống nhất, chưa sớm được thừa nhận sẽ là rào cản làm chậm tiến trình hoạt động trở lại của doanh nghiệp hàng không”.
Các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật, sản xuất suất ăn hàng không, đào tạo và logistics... liên quan lĩnh vực hàng không bị ảnh hưởng nặng nề
Đề xuất gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, TS. Bùi Doãn Nề có kiến nghị tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu trung – dài hạn, hỗ trợ ngành hàng không phục hồi, bảo toàn được nguồn vốn, cân đối nguồn ngân sách, hỗ trợ việc thanh khoản.
“Về kiến nghị chính sách, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm đến thị trường để sớm phục hồi, sớm công nhận hộ chiếu vắc xin, từng bước khởi động lại đường bay quốc tế. Đối với đường bay nội địa, cho phép những người tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm nhưng âm tính được sớm đi lại, làm việc, tuân thủ 5K và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn về dịch bệnh vừa tái khởi động việc đi lại, hỗ trợ việc phát triển kinh tế” – ông Bùi Doãn Nề đề xuất.
Cũng theo TS. Bùi Doãn Nề, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không đã nhiều lần đề xuất gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không, mục đích phục vụ chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án để duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh kéo dài.
"Chính phủ và Quốc hội nên xem xét cho các hãng hàng không khác vay với mức lãi suất ưu đãi như gói vay của Vietnam Airlines, để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, giúp các hãng hàng không giải quyết vấn đề thanh khoản. Số vay căn cứ vào nhu cầu và quy mô thị phần, khả năng đóng góp ngân sách trong thời gian vừa qua và khả năng đáp ứng ngân sách thời gian tới", TS. Bùi Doãn Nề đề nghị.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, phải thống nhất chính sách về thẻ xanh, thẻ vàng mới khai thông được giao thông vận tải, du lịch. Về lâu dài, để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch Vietravel cũng kiến nghị, Chính phủ cần phải coi doanh nghiệp là "đối tác đồng hành, không nên coi là đối tượng". Những chính sách hỗ trợ cần thủ tục thông thoáng, không nên đòi hỏi nhiều giấy tờ, nếu không sẽ rất khó cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai các hoạt động; Cần phải tin tưởng vào doanh nghiệp và giao trực tiếp cho doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động, cách làm này giống chính phủ các nước vừa giúp hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời và không phức tạp về thủ tục.