Đề xuất áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 15% với mặt hàng chế phẩm đồng nhất của thịt

(CL&CS) - Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 15% đối với mặt hàng chế phẩm đồng nhất của thịt, các phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ, tiết hoặc côn trùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Bộ Tài chính, hiện hành, mặt hàng chế phẩm đồng nhất của thịt, các phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ, tiết hoặc côn trùng đã chế biến hoặc bảo quản khác được chi tiết tại phân nhóm 1602.10, thuế suất MFN là 30%, bằng cam kết trần WTO. Các thuế suất FTA đều cơ bản bằng 0%. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN năm 2021 của phân nhóm này là 81 nghìn USD.

Bộ Tài chính cho biết, danh mục HS 2022 đã bổ sung thêm mặt hàng côn trùng đã chế biến hoặc bảo quản ở dạng khác vào sản phẩm của nhóm này. Cụ thể, Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) 2022 đã tách một phần của mã HS 2106.90.99 (các chế phẩm thực phẩm khác chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác) và gộp vào phân nhóm 1602.10. Tại Biểu thuế nhập khẩu MFN, đây là 2 mã hàng có thuế suất 15% (cam kết WTO là 15%) và 30% (cam kết WTO là 30%). Các mức thuế suất FTA đối với các mặt hàng này đều cơ bản bằng 0%.

Theo Bộ Tài chính, mặc dù mặt hàng chế phẩm đồng nhất của thịt, phụ phẩm (phân nhóm 1602.10) trong AHTN 2022 được gộp từ 2 mặt hàng có cam kết WTO và mức thuế suất chênh lệch khá lớn (30% và 15%) nhưng do kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN của mặt hàng chế phẩm đồng nhất của thịt, phụ phẩm có mức thuế suất 30% không nhiều (106 nghìn USD).

Chính vì vậy, tại dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Bộ Tài chính đề xuất không chi tiết riêng mặt hàng này. Đồng thời, do mặt hàng chế phẩm đồng nhất của thịt, phụ phẩm nêu trên được gộp từ các mặt hàng có cam kết WTO khác nhau (30% và 15%) nên để đảm bảo nguyên tắc tuân thủ cam kết WTO của Việt Nam, tạo thuận lợi cho cơ quan hải quan trong quá trình phân loại, áp mã, thống nhất thuế suất trong cùng nhóm hàng, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 15% đối với mặt hàng thuộc phân nhóm 1602.10 (bằng cam kết trần thấp hơn của dòng gộp để không vượt cam kết trần WTO).

Bộ Tài chính đánh giá, việc áp dụng mức thuế suất theo phương án nêu trên sẽ giảm mức thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng chế phẩm đồng nhất của thịt, phụ phẩm chi tiết tại phân nhóm 1602.10 trong AHTN 2017 từ 30% xuống 15%. Tuy nhiên, với thực tiễn hoạt động xuất nhập khẩu như những năm vừa qua, phương án đề xuất này không ảnh hưởng nhiều đến số thu ngân sách nhà nước (giảm khoảng 279 triệu đồng) do kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng xúc xích nhóm 1602.10 không đáng kể (81 nghìn USD). Cùng với đó, phương án này đảm bảo tuân thủ cam kết Việt Nam trong WTO.

TIN LIÊN QUAN