Ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1454/QĐ - TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Cụ thể, Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH& ĐT) làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT và các thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan: Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Tư pháp, Thông tin và truyền thông, Khoa học và công nghệ, Ngân hàng Nhà nước.
Theo quy hoạch, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188,2 km với quy mô 6 làn xe. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh An Giang dài 56,74 km, đoạn qua TP Cần Thơ dài 37,77km; đoạn qua tỉnh Hậu Giang dài 37,02km và đoạn qua tỉnh Sóc Trăng dài 56,67km.
Cao tốc có điểm đầu kết nối đường Quốc lộ 91 (tuyến N1) thuộc xã Vĩnh Tế (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang); điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu (cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).
Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được Bộ GTVT kiến nghị chia thành ba dự án thành phần gồm: dự án thành phần 1 (Châu Đốc - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) chiều dài tuyến 63,4km; dự án thành phần 2 (Lộ Tẻ Rạch Sỏi - Quốc lộ 61C) có chiều dài tuyến 41,55km; Dự án thành phần 3 (QL61C - cảng Trần Đề) có chiều dài tuyến 83,20km.
Dự kiến khởi công năm 2022 theo phương thức đối tác công - tư (PPP), giai đoạn 1 (2 làn xe) dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 47.435 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí và hỗ trợ của Nhà nước bằng tiền 50%. Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhìn nhận, hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn yếu kém và đang cản trở sự phát triển của cả khu vực. Việc xây dựng quy hoạch giao thông vùng, bổ sung thêm các tuyến cao tốc vào quy hoạch trong thời gian tới là quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Nếu không có đường cao tốc thì vấn đề thu hút đầu tư phát triển sẽ khó khăn.
Hiện Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch cụ thể, rất mong được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ủng hộ để hình thành nên hệ thống GTVT ở khu vực ĐBSCL. Có như vậy mới đánh thức được tiềm năng, phát huy được thế mạnh của khu vực này để phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Việc triển khai đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện an toàn giao thông trong khu vực dự án, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực. Công trình còn tạo không gian mới làm động lực để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp mới trong vùng, thúc đẩy sự phát triển của ĐBSCL với khoảng cách giữa các tuyến 15km - 25km - 35km.
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là một trong 3 tuyến cao tốc trục ngang trong khu vực ĐBSCL. Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc này góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang dọc sông Hậu, kết nối các khu cảng biển tại Cần Thơ, cảng nước sâu Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng, các trung tâm thành phố lớn như Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, các cửa khẩu quốc tế dọc tuyến biên giới giáp Campuchia.
Đây cũng là tuyến cao tốc trục ngang kết nối các tuyến trục dọc như Quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam phía Đông (cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường N2 - Mỹ An - Cao Lãnh Lộ Tẻ - Rạch Sỏi).
Đồng thời, dự án còn góp phần cải thiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực tây Nam Bộ.