Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian thảo luận về báo cáo giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Trong đó, tình trạng giá bất động sản tăng vọt, tại Hà Nội và TP HCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên đoàn Giám sát đã có trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội liên quan đến vấn đề này.
Tại các thành phố lớn, giá nhà đang tăng liên tục, vượt quá thu nhập của nhiều người dân. Điều này đã khiến nhiều người dân có nhu cầu nhưng không thể mua được nhà. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này, thưa đại biểu Phan Đức Hiếu?
Trong báo cáo giám sát chỉ ra, giá nhà ở tăng quá cao so với thu nhập của đại đa số người dân, đây là một bất cập rất lớn, đòi hỏi tính cấp thiết phải giải quyết. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này không dễ, và không có một biện pháp đơn lẻ nào mà cần phải có các giải pháp đồng bộ.
Ngay trước mắt thì cần tập trung vào một số nhóm giải pháp, trong đó, tăng nguồn cung rất quan trọng. Để giải quyết nguồn cung nên tập trung vào việc tháo gỡ vướng mắc của những dự án đang triển khai. Đây là cách nhanh nhất để tăng nguồn cung.
Cùng với đó, chúng ta phải nhắm đến giảm bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí cho thực hiện dự án, giảm rủi ro, do đó góp phần giảm được giá nhà.
Ngoài ra, phải đa dạng nguồn cung, không chỉ là dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội mà còn phải đa dạng cả về chủ đầu tư, như công đoàn, các tổ chức khác. Hoặc đa dạng nguồn cung như nhà ở cho thuê. Ngoài việc bán nhà ở xã hội thì tính tới cả phương thức cho thuê, và về lâu dài tính tới cả phương thức hỗ trợ để các đối tượng mua nhà ở xã hội có thể tiếp cận mua nhà ở thương mại. Như vậy đa dạng hóa nguồn cung là quan trọng nhất.
Hiện nhiều người dân cũng gặp khó khăn trong việc đăng ký xét duyệt nhà ở xã hội. Vậy làm thế nào để việc tiếp cận nhà ở xã hội được dễ dàng hơn?
Trong quá trình giám sát về nhà ở xã hội thì thấy nổi lên vấn đề là lệch pha về cung cầu và lệch pha giữa các địa phương. Trong đánh giá chung, nhu cầu về nhà ở xã hội nguồn cung hạn chế, nhưng ngược lại, ở một số địa phương lại dư thừa nguồn cung.
Ở đây có hai vấn đề để việc phát triển tiếp cận nhà ở thuận lợi hơn. Thứ nhất, địa phương cần chủ động, sớm quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội ở vị trí thuận lợi. Thực tế, nếu địa phương quy hoạch không ở vị trí thuận lợi dẫn tới không đáp ứng nhu cầu mong muốn của người mua nhà ở xã hội, ảnh hưởng rất lớn. Thứ hai, là quy trình giải quyết các thủ tục. Trước đây, khi chưa có Luật Nhà ở thì rất nhiều điều kiện để áp dụng cho đối tượng nhà ở xã hội không phù hợp, hợp lý. Điều đó vô hình trung hạn chế quyền tiếp cận nhà ở. Một số quy định hiện nay đã được nới lỏng, nhưng vấn đề vẫn còn tồn tại, đâu đó trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chứ không hẳn về luật.
Chẳng hạn, để người mua nhà phải đáp ứng điều kiện thì đòi hỏi phải xác minh thu nhập. Thủ tục kéo dài và khó khăn, đòi hỏi sự tham gia của Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính, cơ quan quản lý lao động… Rõ ràng, khâu tổ chức này nằm nhiều ở chính quyền địa phương.
Trong báo cáo giám sát chưa chỉ ra, nhưng tôi có kiến nghị, nếu qua giám sát này, địa phương chủ động rà soát các nhóm đối tượng lao động ở địa bàn mình và xác định luôn được danh sách những nhóm đối tượng nào đủ điều kiện mua nhà, sẽ giúp rất nhiều cho việc bị động, thụ động, khi người mua nhà lên mới tiến hành quy trình này. Như vậy, sẽ tạo sự chủ động trong việc tổ chức triển khai, thực hiện nhà ở trong giai đoạn này, sau khi Luật Nhà ở mới ban hành, rất quan trọng trong việc giúp người lao động có thể tiếp cận tốt hơn với nhà ở xã hội.
Ngoài ra, việc triển khai quyết liệt chương trình 1 triệu nhà ở xã hội tăng nguồn cung cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh phải tăng nguồn cung.
Hiện nhiều khu đô thị mới mọc lên, nhưng lại thiếu những tiện ích như trường học, bệnh viện… ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Làm thế nào để có sự đồng bộ này?
Nếu đối chiếu về quy định thì dường như không phải lỗi ở quy định mà phần lớn nghiêng ở khâu tổ chức thực hiện. Khi triển khai một dự án, nếu địa phương chú trọng đến việc quy hoạch một khu đô thị hiện đại, đồng bộ, thay vì những khu đô thị manh mún thì sẽ giải quyết vấn đề này chứ không hẳn do quy định.
Ngoài ra, trong quá trình giám sát, thì thấy rằng, các dự án đã triển khai nhưng các chủ đầu tư chần chừ trong việc xây dựng hạ tầng xã hội, hoặc quá trình bàn giao quỹ đất cho địa phương cũng có vấn đề, không kịp thời.
Qua kinh nghiệm giám sát thì thấy, khâu tổ chức thực thi rất quan trọng. Ngoài việc giám sát, đôn đốc, thậm chí phải thực hiện biện pháp chế tài, đúng và đủ theo quy định pháp luật. Chẳng hạn, theo luật, với những dự án chậm triển khai, hoàn thành dự án theo tiến độ mà không phải vì lý do bất khả kháng hay liên quan thì có thể thu hồi.
Những chế tài như vậy mới tạo áp lực để hoàn thành dự án cũng như sự chủ động của địa phương trong việc xây dựng các khu dân cư, đô thị đồng bộ, hiện đại, kết nối.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cũng là thành viên của đoàn Giám sát cho hay, trong quá trình giám sát, từ 2015 đến 2023 nhiều thời điểm xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá đất, không chỉ ở nội đô, thành phố lớn mà ngay cả ở khu vực ngoại thị, xa thành phố. Đặc biệt, ở các phiên đấu giá, đã có tình trạng một nhóm người , tổ chức liên kết đẩy giá cao sau đó bỏ cọc, tạo nên mặt bằng giá mới, sốt ảo cho thị trường BĐS. Hiện nay, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao đã có phổi hợp với một số cơ quan có những thanh tra, kiểm tra có những chính sách cho phù hợp, ngay lập tức hạn chế tình trạng này, đưa bất động sản trở về đúng giá trị thực. Ủng hộ các đề xuất mới của Chính phủ nhằm giúp người dân được tiếp cận với nhà ở, tránh lãng phí nguồn lực, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, có rất nhiều dự án bỏ hoang hàng chục năm với nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Mới đây, Chính phủ có đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua 2 Nghị quyết nhằm tháo gỡ việc này. Theo đó, một trong hai nghị quyết là cho triển khai các dự án đã có kết luật thanh tra, kiểm tra, có bản án của tòa án thì tháo gỡ và những dự án đã được cấp có thẩm quyền kết luận, trách nhiệm cũng đã xử lý hết nhưng vẫn còn vướng mắc thì cho triển khai tiếp. Nghị quyết còn lại là đề xuất của Chính phủ liên quan đến triển khai nhà ở thương mại thông qua chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đất có thể chuyển sang thực hiện các dự án nhà ở thương mại mà không cần phải đất ở như trong quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. “Tôi nghĩ đây là giải pháp rất hiệu quả để chúng ta có thể triển khai tiếp các dự án còn bỏ hoang, lãng phí. Hai Nghị quyết này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ, tạo được nguồn cung bất động sản ra thị trường tương đối lớn và sẽ giải quyết được tình trạng khan hiếm, mất cân đối cung cầu trên thị trường hiện nay”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nói. |