Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi

(CL&CS) - Để tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành chăn nuôi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 1742/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đẩy mạnh hoạt động KH&CN ngành chăn nuôi đến năm 2030”.

Thực hiện Quyết định số 1742/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030. Nhằm tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2454/KH-UBND ngày 23/4/2024 Triển khai thực hiện Đề án Đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Với mục tiêu là chọn tạo giống vật nuôi chủ lực công nghệ cao đáp ứng được 90% nhu cầu giống heo, 70 - 80% nhu cầu giống gia cầm, 50% nhu cầu giống thủy cầm, 80% giống bò thịt. Ứng dụng công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, đáp ứng khoảng 20 - 35% nhu cầu; khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm công - nông nghiệp - thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường.

Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ sản xuất trang thiết bị chuồng trại đáp ứng 80% nhu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững. Chế biến các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm giết mổ: đảm bảo 30 - 35% cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp và 30% cơ sở chế biến trứng quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến vào năm 2030, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

Theo đó, nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực bằng công nghệ cao phù hợp với điều kiện địa lý của tỉnh để chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống vật nuôi. Nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, phụ phẩm công - nông nghiệp và thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường.

Ứng dụng công nghệ chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững. Ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm giết mổ đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Kế hoạch đã xác định các nhiệm vụ ưu tiên như nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao đáp ứng cho tiêu dùng trong tỉnh và hướng đến xuất khẩu.

Nhiệm vụ thứ 2 là Nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, phụ gia, phụ phẩm công – nông nghiệp và thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường.

Nhiệm vụ tiếp theo là nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu chọn tạo, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm vi sinh, vật liệu độn chuồng trong chăn nuôi. Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giết mổ, chế biến và phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi.

Theo kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng ứng dụng, nghiên cứu phát triển, triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Đề án; tăng cường hỗ trợ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bí quyết và giải pháp công nghệ, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, thương hiệu các sản phẩm chăn nuôi chủ lực; tranh thủ nguồn kinh phí Trung ương để thực hiện các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ lĩnh vực chăn nuôi.

TIN LIÊN QUAN