Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục vào cuộc kiểm tra, xử lý những mặt hàng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gôc vận chuyển và tiêu thụ tại các thành phố lớn. Trong đó, tập quán sản xuất ở không ít nơi vẫn lạm dụng thuốc hóa học khiến cho người tiêu dùng lo lắng khi lựa chọn các loại nông sản, thực phẩm trên thị trường. Đồng thời, hàng loạt vụ việc như cá mực ngâm oxy già làm trắng, ốc tẩm hóa chất cho bóng đẹp, tăng cân… được phơi bày những ngày gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, người dân hạn chế đi lại nên nhiều cơ sở, doanh nghiệp cung ứng thịt lợn, gà đã chuẩn bị số lượng lớn sản phẩm cung cấp cho thị trường. Bên cạnh các siêu thị thì tại các cửa hàng lớn ở các khu chợ dân sinh lương thực, thực phẩm cũng được tiêu thụ rất mạnh.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, tại các thành phố lớn số lượng lò mổ tự phát tăng nhanh. Tại đây, các sản phẩm thịt lợn, thịt gà thường được giết mổ trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Thịt xẻ xong, các đầu nậu thường chở bằng xe máy đưa đi tiêu thụ mà không có dấu kiểm dịch. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, người dân cùng vào cuộc với các cơ quan chức năng để tố giác những hành vi vận chuyển, sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
“Hiện nay các tỉnh nhỏ, thành phố nhỏ ít có lò mổ. Quy mô lò mổ không lớn họ thực hiện ATTP dễ hơn. Ví dụ như Hải Dương lò mổ ít, bán vào các thị trấn kiểm soát rất dễ. Nhưng các đô thị lớn thì nan giải vì lò mổ đông, kiểm soát khó lại phát sinh rất nhiều lò mổ trong nhà”, PGS.TS Đào Thế Anh cảnh báo.
Tính từ đầu tháng 1/2021 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cũng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bốc mùi ôi thiu, nông sản thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh biên mậu Việt Nam cho rằng, việc vận chuyển thực phẩm qua các đường mòn lối mở tại các tuyến biên giới rất khó kiểm soát, do lực lượng tuần tra, kiểm soát tương đối mỏng. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh ATTP liên quan đến rất nhiều cơ quan, Bộ, ngành. Do đó, để tăng cường hiệu quả kiểm soát vận chuyển thực phẩm cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tránh tình trạng “dẫm chân lên nhau”.
“Thực phẩm kém chất lượng, hàng lậu không chỉ vào bằng đường tiểu ngạch mà bằng rất nhiều đường khác như đường hàng không, đường biển. Điều kiện tiên quyết nhất là các Bộ, ngành thường xuyên trao đổi, phối hợp để trong quá trình thực hiện kịp thời phát hiện, xử lý ngay những vấn đề phát sinh trong thực tiễn”, ông Lam đề xuất.
Để đảm bảo ATTP cho người dân, nhiều địa phương đã và đang triển khai các Chương trình “Đưa thực phẩm sạch tới tận bàn ăn” với những loại thực phẩm an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được đưa ra thị trường và kiểm soát chặt chẽ về chất lượng khiến người tiêu dùng phần nào yên tâm hơn. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, hi vọng vấn nạn thực phẩm bẩn sẽ bị đẩy lùi và người dân sẽ được tiêu dùng những sản phẩm an toàn cho sức khỏe…