Đau đầu với nạn giao dịch chui, đăng ký mua khống cổ phiếu

(NTD) - Cổ đông nội bộ giao dịch chứng khoán không đúng với thời gian đăng ký diễn ra ngày càng nhiều, phức tạp. Tuy nhiên, gây thiệt hại nặng nhất cho các cổ đông nhỏ lẻ vẫn là những cổ đông nội bộ đăng ký mua nhưng lại không giao dịch.

Giao dịch cổ phiếu chui

Từ đầu năm đến nay, hầu như tuần nào Ủy ban Chứng khoán (UBCK) cũng công bố vài quyết định xử phạt cổ đông nội do giao dịch cổ phiếu chui, giao dịch cổ phiếu không đúng thời gian đăng ký.

Đơn cử, giữa tháng 9, UBCK xử phạt 55 triệu đồng đối với ông Nguyễn Quang Nguyên, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Sóc Sơn (mã chứng khoán DPS) do bán 1.039.301 cổ phiếu DPS từ 10/7/2018 - 11/7/2018 nhưng không báo cáo UBCK và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trước khi thực hiện giao dịch. Trong thời gian này, cổ phiếu DPS dao động từ 800-1.000 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, cổ phiếu DPS chỉ còn 400 đồng/cổ phiếu, bốc hơi hơn 50% so với thời điểm ông Nguyễn Quang Nguyên giao dịch “bán chui”. Từ ngày lên sàn HNX đến nay, DPS đã giảm đến 98%.

Chưa dừng ở đó, vào cuối tháng 8, UBCK đã xử phạt 550 triệu đồng đối với nhà đầu tư Nguyễn Quang Khải đã sử dụng 26 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả, thao túng cổ phiếu DPS.

UBCK cũng mới xử phạt 45 triệu đồng đối với ông Nguyễn Minh Đức, phụ trách kế toán của CTCP Đầu tư và Phát triển KSH, nay là CTCP Damac GLS do thực hiện giao dịch bán 192.510 cổ phiếu KSH nhưng không báo cáo UBCK, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc dự kiến giao dịch. Cổ phiếu KSH vừa bị hủy niêm yết sàn HOSE do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Hiện nay, KSH đang giao dịch tại thị trường UPCoM và chỉ còn 700 đồng/cổ phiếu, “bốc hơi” 99,17% giá trị.

Bà Nguyễn Thị Mai, người có liên quan đến ông Đinh Đức Tiệp, Phó Tổng Giám đốc CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) cũng bị phạt 45 triệu đồng do từ ngày 24/4 - 6/6/2019 mua 659.550 cổ phiếu và bán 1.434.770 cổ phiếu NTL nhưng không báo cáo UBCK, HOSE về việc dự kiến giao dịch nêu trên.

Ông Turumbayev Talagat (trái) đại diên cho cổ đông lớn Kusto đăng ký mua 700.000 cổ phiếu CTD nhưng cuối cùng không mua cổ phiếu nào dù CTD giảm 10% trong thời gian ông đăng ký mua.

Đăng ký mua khống

Tình trạng cổ đông nội bộ đăng ký mua cổ phiếu với khối lượng lớn nhưng khi hết thời hạn lại thông báo không mua cổ phiếu nào do diễn biến thị trường không thuận lợi đã diễn ra rất phổ biến trên thị trường chứng khoán. Nổi bật nhất là cổ đông nội bộ F&N Dairy Investments Pte. Ltd và Platinum Victory Pte. Ptd (F&N và Platinum) của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM). Tại Vinamilk, hai tổ chức này đều có người đại diện giữ chức thành viên HĐQT, đồng thời lần lượt nắm giữ 17,31% và 10,62% vốn điều lệ.

Từ đỉnh tháng 3/2018, có thời điểm cổ phiếu VNM giảm 36% khiến tài sản của F&N và Platinum “bốc hơi” 10.000-20.000 tỷ đồng. Từ tháng 8/2018 đến nay, F&N và Platinum đều có 12 lần đăng ký mua cổ phiếu VNM với khối lượng lớn, trị giá hơn 2.000 tỷ đồng cho mỗi đợt giao dịch kéo dài trong 4 tuần. Tuy nhiên, tất cả các lần đăng ký trên, họ đều không mua một cổ phiếu nào bất chấp VNM diễn biến ra sao trong mức giá từ 107.520-148.850 đồng/cổ phiếu. Từ tháng 8/2018 trở về trước, F&N cũng liên tục đăng ký mua VNM nhưng đa số mua rất ít hoặc không mua cổ phiếu nào.

Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons đã có thời gian dài lao dốc mất tới 62% khiến vốn hóa công ty bị thổi bay 11.650 tỷ đồng đã làm nhiều nhà đầu tư khóc ròng khi mua cổ phiếu ngay đỉnh. Dù là nhà đầu tư chiến lược, đầu tư dài hạn nhưng các tổ chức như Kustocem Pte. Ltd (cổ đông lớn nhất của Coteccons), Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công đứng ngồi không yên khi cổ phiếu liên tục mất giá, tài sản bị “bốc hơi” hàng ngàn tỷ đồng.

Chính điều này mà thành viên HĐQT Coteccons, ông Turumbayev Talagat đại diện cho cổ đông lớn Kusto dự kiến sẽ chi ra 70 tỷ đồng khi đăng ký mua 700.000 cổ phiếu CTD từ 15/8 -13/9. Tại thời điểm ông Turumbayev Talagat đăng ký mua CTD, cổ phiếu này giao dịch ở vùng giá 100.000 đồng/cổ phiếu, sau đó rớt còn 90.100 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng hết thời gian đăng ký giao dịch, ông Turumbayev Talagat lại không mua cổ phiếu nào. Vào đầu năm nay, ông Turumbayev Talagat từng đăng ký mua 1.267.266 cổ phiếu CTD nhưng cuối cùng chỉ giao dịch 50% khối lượng.

Nhà đầu tư Nguyễn Minh Thành (TP.HCM) nhận định: “Lúc đầu, tôi còn hào hứng trước thông tin cổ đông nội bộ đăng ký mua cổ phiếu, đặc biệt là F&N và Platinum tại Vinamilk hay ông Turumbayev Talagat tại Coteccons vì tôi nghĩ những cá nhân, tổ chức này có người đại diện trong HĐQT sẽ có thông tin nội bộ từ doanh nghiệp nên đi tắc đón đầu.

Nếu F&N và Platinum mua cổ phiếu VNM đúng khối lượng đã đăng ký sẽ tác động đến giá rất lớn vì bình quân mỗi ngày họ mua 1,7 triệu cổ phiếu trong khi khối lượng khớp trung bình hàng ngày của VNM chỉ ở mức 600.000 cổ phiếu. Như vậy, nhu cầu mua mỗi ngày của 2 tổ chức trên cao gần gấp 3 lần khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày của cổ phiếu VNM. Tỷ lệ này của ông Turumbayev Talagat tại Coteccons là 1:1.

Cuối cùng, tôi thất vọng vì họ đăng ký mua với khối lượng lớn nhưng lại không giao dịch bất kỳ cổ phiếu nào. Đặc biệt, trong vòng một năm qua, F&N và Platinum đã có 12 lần liên tiếp đăng ký nhưng họ không mua một cổ phiếu VNM. Đây có phải là hành vi ‘thao túng thông tin’ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và tác động xấu đến thị trường chứng khoán hay không?”.

Hiện nay, chưa có chế tài nào xử lý tình trạng đăng ký “mua khống” cổ phiếu của cổ đông nội bộ. Nên chăng, các cơ quan quản lý cần có chế tài xử lý những trường hợp này giống như việc xử phạt cổ đông nội bộ mua bán chứng khoán chui.

Trí Nguyễn

Nên đọc