Đặt niềm tin vào cổ phiếu khu công nghiệp: Nhà đầu tư đã đúng

(CL&CS) - Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đa số các ngành nghề đều lao đao trừ dược phẩm và khu công nghiệp. Nhà đầu tư đổ xô vào khu công nghiệp và thực tế dần cho thấy quyết định này của họ là đúng đắn.

Lợi nhuận tăng vọt

Đại dịch Covid-19 xảy ra từ tháng 1/2020 khiến nhiều ngành kinh tế, trong đó đáng chú ý nhất là hàng không, du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng lao đao. Trong bối cảnh đó, dược phẩm, may mặc (liên quan đến may khẩu trang) và khu công nghiệp lại tận dụng được cơ hội.

Bất động sản khu công nghiệp được nhắc đến nhiều hơn cả vì khi Covid-19 xảy ra, nhiều quốc gia có kế hoạch di dời nhà máy sang Việt Nam. Vì vậy, bất động sản công nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn.

Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư không ngừng mua vào cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp để “đón đầu” làn sóng này. Hiện tại, chưa nhiều công ty thuộc ngành này công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 nhưng gương mặt đầu tiên cho thấy nhà đầu tư đã không chọn nhầm niềm tin.

Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) là gương mặt đầu tiên của ngành bất động sản khu công nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 với kết quả rất lạc quan.

Cụ thể, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý 3 của NTC lên đến 103 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng, tương đương 91% so với quý 3/2019. Doanh thu tăng mạnh nhưng giá vốn tăng chậm nên lợi nhuận NTC ghi nhận tốc độ đi lên rất đáng kể.

Lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 97,9 tỷ đồng, tăng 52,5 tỷ đồng, tương đương 116% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận tăng mạnh góp phần không nhỏ giúp tổng tài sản của NTC được cải thiện. Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của NTC tăng từ 3.538 tỷ đồng lên 4.179 tỷ đồng.

Đẩy mạnh vay vốn

Đại dịch Covid-19 là mối nguy của ngành này nhưng mang đến cơ hội cho ngành khác. NTC đã tận dụng cơ hội bằng cách mở rộng đầu tư và đẩy mạnh vay vốn.

Tại thời điểm cuối quý 3, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại NTC lên đến 402 tỷ đồng, tăng 400,4 tỷ đồng, tương đương 250 lần so với thời điểm đầu tư; nợ và vay tài chính dài hạn giảm nhẹ từ 2,8 tỷ đồng xuống 1,8 tỷ đồng.

Nợ vay cao khiến trong kỳ công ty ghi nhận chi phí lãi vay tăng vọt. Trong quý 3, chi phí lãi vay tại NTC tăng từ 39 triệu đồng lên 5,2 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với đà tăng của doanh thu và lợi nhuận.

Cổ phiếu tăng vọt

Bất chấp đại dịch Covid-19, cổ phiếu NTC vẫn bứt phá mạnh suốt thời gian qua. Đóng cửa phiên 19/10, NTC dừng ở mức 219.600 đồng/CP. NTC ghi tên mình vào danh sách các cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ở mức giá 291.600 đồng/CP, NTC đã tăng 59.130 đồng/CP, tương đương 36,8% so với thời điểm cuối năm 2019. Đà tăng này của NTC giúp vốn hóa thị trường Nam Tân Uyên có thêm 946 tỷ đồng.

Bất động sản khu công nghiệp được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam. Nam Tân Uyên được hưởng lợi từ chính sách này. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Nam Tân Uyên còn hấp dẫn nhà đầu tư nhờ chính sách cổ tức cao.

Nam Tân Uyên dự kiến phát hành 8 triệu cổ phiếu thưởng. Tỷ lệ phát hành 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được nhận về 1 cổ phiếu mới. Dự kiến sau phát hành, KCN Nam Tân Uyên tăng vốn điều lệ từ 160 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngành bất động sản khu công nghiệp nói chung và Nam Tân Uyên nói riêng không phải không có rủi ro. Mới đây, SSI Research dự báo lãi ròng doanh nghiệp khu công nghiệp đang quan sát nửa cuối năm đạt 4.900 tỷ đồng, giảm 23%.

Nguyên nhân là do việc hạn chế các chuyến bay quốc tế đã làm trì hoãn quá trình đàm phán thuê đất trong tháng 8 bởi nhiều nhà đầu tư ngừng các chuyến tham quan thực tế. 

TIN LIÊN QUAN