Đảm bảo sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô

(CL&CS) - Đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức rất lớn. Cần có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, nâng cao năng lực nội tại và mức độ tự chủ của nền kinh tế. Cải cách phải được thực hiện ngay và liên tục, thay vì chờ đợi đến khi hết dịch.

Đó là thông điệp của Hội thảo trực tuyến với chủ đề  “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương CIEM tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Ôxtrâylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).   

Hội thảo và báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”

Trong báo cáo nghiên cứu cùng chủ đề trình bày tại Hội thảo, đã đưa ra 2 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam 2021.

 Kịch bản 1: dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất – kinh tế ở mức bình thường.  Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 16,4%, thặng dư thương mại ở mức 4,2 tỷ USD. GDP năm 2021 có thể đạt mức 5,9%. Lạm phát ở mức 2,6%.

Kịch bản 2:  dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021, và giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, M2, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức cao hơn. GDP dự báo tăng 6,2%. Xuất khẩu tăng 18,3% và thặng dư thương mại ở mức 5,4 tỷ USD. Lạm phát ở mức 2,8%.

 Thuyết minh về các kịch bản, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM cho rằng đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu. Nhưng việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn.

Sự phục hồi của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch, tiến độ giải ngân đầu tư công, ổn định kinh tế vĩ mô và  các chính sách hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số, khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA mới…

TS.Lê Duy Bình – Giám đốc Economyca Việt Nam cho rằng nếu, đầu tư công giải ngân được như kế hoạch, kinh tế tư nhân được tạo điều kiện thuận lợi và dịch bệnh được kiểm soát tốt thì kịch bản lạc quan của CIEM sẽ trở thành khả thi.

Nhưng điều đáng lo là đầu tư công giải ngân rất thấp. 6 tháng mới chi 5,8 tỷ USD, vậy còn 15 tỷ USD tương đương  343.000 tỷ đồng chưa giải ngân. Số chưa giải ngân bằng 3 lần số đã giải ngân trong nửa đầu năm. 6 tháng, có giải ngân được như kế hoạch không.

Tại hội thảo các chuyên gia cùng cho rằng với diễn biến phức tạp của làn sóng dịch mới, nền kinh tế sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trong đó cần phải lưu tâm đến  rủi ro gián đoạn cung ứng hàng hóa,  đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất do dịch bệnh, và xuất khẩu sẽ trở nên khó khăn hơn.TS.Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng của CIEM lưu ý.

Tốc độ tăng trưởng và sự phục hồi của nền kinh tế chịu tác động lớn từ khả năng kiểm soát dịch bệnh - Ảnh: Lê Xuân Thăng

TS.Lê Đăng Doanh cũng lưu ý dịch bệnh đã tác động mạnh tới sinh kế người dân, nhiều lao động khu vực chính thức mất việc và người lao động trong khu vực phi chính thức trở nên bấp bênh hơn. Ông cũng đề nghị bên cạnh những việc chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng thì phải nâng cao năng lực nội tại và nâng  mức độ tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh mới.

TS.Võ Trí Thành – nguyên Viện trưởng của  CIEM và hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh lưu ý, hiện nay dịch COVID-19 đã xuất hiện ở khu vực Đông Nam bộ, xuất hiện ở những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai…

Theo ông thế giới đang có 3 trắc trở lớn đó là: khan hiếm nguồn cung gây ra cuộc tranh giành hàng hóa đầu vào, giá cả tăng cao. Đó là lạm phát gia tăng, một số quốc gia tiếp tục chính sách nới lỏng. Đó là năng lực logicstic không được đảm bảo dẫn đến thiếu hụt…

Và những trắc trở lớn của toàn cầu đã ngấm vào Việt Nam rất rõ. Biểu hiện rõ nhất nhập siêu trở lại, cán cân thương mại thâm hụt, chi phí đầu vào tăng cao, TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh.

 “Cần có thêm kịch bản thứ ba – kịch bản cho tình huống xấu nhất – tình huống dịch còn tiếp tục kéo dài và đến quý I/2021 mới tiêm vaccine cho một nửa dân số. Có kịch bản mới có được sự chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp biện pháp để chủ động ứng phó ngay giảm tối đa tổn hại nếu không may tình huống xấu xuất hiện”, TS.Võ Trí Thành phát biểu.

Các chuyên gia nhấn mạnh lúc này phải vượt khó, phải đối phó với COVID-19 nhưng phải tính tới phục hồi nhanh, phải bắt kịp với đà phục hồi của thế giới và phải tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô.

Đồng thời cần tiếp tục thúc đẩy cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững.  Cải cách phải được thực hiện ngay và liên tục, thay vì chờ đợi đến khi hết dịch.

Và thực tế đang đặt ra yêu cầu định hình cách tiếp cận đối với một số vấn đề cải cách chính sách kinh tế. Trong đó cần có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững. Nhanh chóng hoàn thiện căn bản khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo nói chung và kinh tế số nói riêng. Và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, đây chính là động lực quan trọng cho tăng trưởng.

  (Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

TIN LIÊN QUAN