Theo thông tin từ Sở Công thương thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn đều chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ hai tháng trước Tết, với nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu. Sở đã chủ động lên phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá; đồng thời, sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến cung- cầu hàng hóa, các giải pháp điều tiết nguồn hàng sẽ được triển khai kịp thời.
Theo đó, các nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung-cầu bao gồm: gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ trong dịp Tết Nguyên đán như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.
Ðể phục vụ kịp thời người tiêu dùng, hoạt động phân phối hàng hóa cũng được tổ chức với nhiều hình thức. Cụ thể, qua các kênh bán hàng truyền thống (hệ thống 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn); tổ chức trên các kênh bán hàng đa phương tiện với 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã khuyến khích, vận động các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, chuẩn bị dự trữ nguồn hàng để cung ứng sớm và đầy đủ các mặt hàng phục vụ người dân tiêu dùng thiết yếu với giá hợp lý, chất lượng tốt. Cùng với việc bình ổn thị trường tại các siêu thị, các đơn vị tham gia chương trình thực hiện chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn và chính sách bình ổn giá với các nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, may mặc... phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán.
Ðể triển khai chính sách bình ổn giá, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; trong đó, chú trọng nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa, chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tiếp tục phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn giá tới địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa các huyện miền núi; khuyến khích các đơn vị tham gia chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhằm xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường. Xây dựng kế hoạch tổ chức sớm các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn phục vụ người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi gắn với tuyên truyền, hưởng ứng thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" theo đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết cổ truyền.
Ngoài việc chỉ định các đơn vị được hỗ trợ vốn vay để thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, các địa phương cần có thêm cơ chế thu hút các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, bán buôn, bán lẻ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết đáp ứng các điều kiện, yêu cầu tham gia chương trình; làm tốt vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn với địa phương để thiết lập chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững, tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường với giá hợp lý; tăng cường bám sát tình hình, diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu trong nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng.