Đắk Nông: Triển khai nhiều giải pháp phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ

(CL&CS) - Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã tích cực triển khai sâu rộng hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người dân, doanh nghiệp.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đắk Nông, hoạt động ứng dụng KH&CN được triển khai toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, mang lại những hiệu quả thiết thực. Các đề tài về nông – lâm nghiệp được ứng dụng hiệu quả, góp phần phục vụ chế biến nông, lâm sản, tăng nhanh sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, cạnh tranh với thị trường khu vực và thế giới.

Hình minh họa

Nhiều công nghệ mới được ứng dụng và triển khai như: Công nghệ biogas; công nghệ tự động hóa khâu bổ sung nhiên liệu lò nung liên tục kiểu đứng sản xuất gạch ngói; ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nước… tạo nguồn năng lượng sạch trong tự nhiên; công nghệ chế biến nông sản quy mô vừa và nhỏ; công nghệ dệt hoa văn trên thổ cẩm…

Trên cơ sở đạt được trong 20 năm qua và tình hình thực tiễn tại địa phương, Đắk Nông xác định tiếp tục định hướng nghiên cứu phát triển KHCN theo Nghị quyết số 12 – NQ/TU ngày 2/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KHCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình số 45 – CTr/TU ngày 7/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KHCN phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong giai đoạn 2004 – 2023, Đắk Nông đã triển khai thực hiện khoảng 130 nhiệm vụ KHCN, với tổng kinh phí sự nghiệp khoa học gần 88 tỷ đồng, gồm: 20 nhiệm vụ KHCN cấp Trung ương; 110 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh.

Trong 110 nhiệm vụ cấp tỉnh có 44 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 40%; 36 nhiệm vụ khoa học xã hội, chiếm 32,7%; 7 nhiệm vụ khoa học nhân văn, chiếm 6,4%; 11 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin, chiếm 10%; 8 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực y tế - giáo dục, chiếm 7,3%; 4 nhiệm vụ khoa học khác, chiếm 3,6%.

Thời gian vừa qua, cơ chế quản lý và việc lập kế hoạch KH&CN của tỉnh đã từng bước được đổi mới. Trong đó, vai trò của các sở ngành, huyện và thị xã đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, việc lựa chọn định hướng phát triển, đổi mới công nghệ của mỗi địa phương đã có sự thay đổi mạnh mẽ để phù hợp hơn với mục tiêu phát triển.

Bên cạnh đó, tiềm lực về KH&CN, nhất là về cơ sở vật chất, kỹ thuật đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống của người dân.

Nhìn lại giai đoạn 2005-2010, hoạt động KH&CN đã thu hút được sự hợp tác, phối hợp mạnh mẽ từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước để giải quyết các nội dung có liên quan tới việc xây dựng luận cứ khoa học cho các phương án phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Đồng thời, Đắk Nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo hướng phát triển bền vững…

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhiều giống cây, con và các biện pháp kỹ thuật thâm canh đã góp phần tích cực vào việc làm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng cho người dân. Ở lĩnh vực công nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng đã nhạy bén trong việc chọn lựa, đầu tư, đổi mới một số công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm chế biến phục vụ xuất khẩu…

Vấn đề liên kết nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được các doanh nghiệp địa phương quan tâm. Thị trường KH&CN từng bước hội nhập là cơ hội để doanh nghiệp, người dân có điều kiện tiếp xúc, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có những chuyển biến tích cực, trọng tâm, bám sát thực tiễn địa phương ...

TIN LIÊN QUAN