Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị tới Thủ tướng những giải pháp khẩn cấp chống đứt gãy

(CL&CS) - Lo hai điểm nghẽn là đứt gãy chuỗi cung và an sinh xã hội chưa bảo đảm khiến khó đạt “mục tiêu kép”, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân NEU vừa gửi khuyến nghị tới Thủ tướng những giải pháp khẩn cấp.

Ghi nhận Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn để hạn chế sự lây lan bùng phát của đại dịch COVID-19, nhưng các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế ở NEU cho rằng nền kinh tế đang có hai điểm nghẽn mấu chốt.

Đó là an sinh xã hội chưa đảm bảo và chuỗi cung đứt gãy. Lo nếu không giải quyết được hai điểm nghẽn này, mục tiêu kép mà Chính phủ đặt ra khó có khả năng thực hiện được, chiều ngày 31/8/2021, NEU đã gửi tới Thủ tướng kiến nghị về một số giái pháp khẩn cấp để tháo gỡ hai điểm nghẽn này.

NEU đề nghị tính số giờ làm thêm theo năm thay vì quy định chặt theo ngày hoặc tháng như hiện nay - Ảnh Lê Tiên

Theo NEU, chuỗi cung đứt gãy ứng khiến sản xuất các ngành chủ chốt của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, FDI có thể suy giảm do môi trường kinh doanh xấu đi.

Việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường – hai điểm đến” một cách cứng nhắc đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật.

Nguồn lao động cũng bị đứt gãy do nhiều lao động nơi bị phong tỏa bị chốt chặt, không thể đến nơi làm việc, làm đứt gãy nguồn lao động.

Cách kiểm soát vận chuyển và quan niệm “hàng thiết yếu” ở các địa phương khác nhau đang cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa nên chuỗi cung ứng nhièu mặt hàng bị đứt gãy.

NEU đề nghị các địa phương và các bộ ngành thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và đúng tinh thần của Chỉ thị 16, bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành.

Cơ chế “luồng xanh” nên thay bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện.

Không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra tại các trạm kiểm soát phòng dịch mà kiểm tra bằng các phương pháp nhận diện tự động. Mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa, không cho hạ tải hoặc luân chuyển hàng hóa ngoài khu vực quy định.

Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về. 

Đẩy nhanh việc tiêm vắc xin tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với nhân lực logistics, nhân lực sản xuất và dân cư toàn xã hội.

Cho phép các doanh nghiệp sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn là tiêm đủ hai mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường; đặc biệt các lao động tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư.

NEU đề nghị xây dựng ứng dụng điện tử (App) “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” để tuyển dụng lao động tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn.

NEU đề nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương khi địa phương tiến hành phong tỏa địa bàn, cần báo cáo với Chính phủ cũng như thông tin tới các tỉnh/thành phố khác để cùng có kế hoạch ứng phó kịp thời. Tổ chống dịch  hay Tổ tư vấn phục hồi kinh tế ở các địa phương cần có doanh nghiệp tham gia.

Để đảm bảo an sinh xã hội, NEU đề  tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cũng như nước, viễn thông… và nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài. 

NEU đề nghị các quỹ an sinh xã hội đang kết dư việc tạm thời sử dụng  như quỹ BH thất nghiệp, quỹ Công đoàn… để xử lý tình trạng khẩn cấp, để hỗ trợ các đối tượng cần.  

Chính quyền địa phương cần khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đã ban hành tới toàn bộ lao động trên địa bànvà triển khai rộng rãi các “Siêu thị 0 đồng” trong các khu cách ly, phong tỏa để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu, tối thiểu của người dân.

NEU kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và xã cho phép tính số giờ làm thêm theo năm thay vì quy định chặt theo ngày hoặc tháng hiện nay. Sử dụng mã số định danh cá nhân theo thẻ căn cước công dân  để tự đăng ký nhận gói an sinh theo các ứng dụng công nghệ phổ biến để vừa xác định đúng đối tượng, vừa thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả.

NEU cũng kiến nghị giảm, miễn thuế đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú, cho lao động tự do, sinh viên  thuê nhà…   

Cơ quan BHXH triển khai nhanh việc hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23và giải quyết nhanh chóng các thủ tục liên quan tới người lao động phải nghỉ việc do bị nhiễm COVID-19.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

TIN LIÊN QUAN