Giáo sư trẻ nhất lịch sử Việt Nam
Giáo sư Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội, là con của một gia đình trí thức danh tiếng. Từ nhỏ, ông đã được rèn luyện Toán học trong môi trường giáo dục ưu tú, dưới sự dẫn dắt của những thầy giáo nổi tiếng.
Năm 1988, khi mới 16 tuổi và đang là học sinh lớp 11 chuyên Toán, ông đã xuất sắc giành Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế tổ chức tại Australia.
Một năm sau, khi học lớp 12, Ngô Bảo Châu tiếp tục thi đấu tại kỳ Olympic Toán quốc tế tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Đức và một lần nữa, ông lại giành Huy chương Vàng. Thành tích này đã giúp ông trở thành người Việt Nam đầu tiên giành 2 Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế.
Nhờ thành tích nổi bật, Ngô Bảo Châu đã được Chính phủ Pháp cấp học bổng để theo học tại Đại học Paris 6. Với tinh thần khát khao chinh phục đỉnh cao tri thức, hai năm sau đó, ông tiếp tục thi đậu vào chương trình Tiến sĩ của Đại học Sư phạm Paris (École Normale Supérieure) – một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu nước Pháp. Ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm 25 tuổi và sau đó, bảo vệ Luận án Habilitation (tương đương Tiến sĩ khoa học) ở tuổi 31.
Năm 2004, Ngô Bảo Châu được mời làm Giáo sư tại hai trường đại học lớn ở Pháp là Paris 6 và Paris 11. Ông đã chọn nhận lời làm Giáo sư của Đại học Paris 11 vào năm 2005.
Cùng năm đó, ở tuổi 32, ông và nhà toán học người Pháp Gérard Laumon được Viện Toán học Clay trao tặng giải thưởng tại Đại học Harvard cho công trình nghiên cứu “Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita,” nhằm công nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc của ông trong lĩnh vực Toán học.
Năm 2005, Ngô Bảo Châu được Nhà nước Việt Nam đặc cách phong hàm Giáo sư. Ông trở thành người trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam được phong học hàm này khi mới 33 tuổi, không cần qua chức danh Phó Giáo sư. Cho đến nay, ông vẫn giữ kỷ lục là người trẻ tuổi nhất được phong học hàm Giáo sư tại Việt Nam.
Năm 2010, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được xướng tên là một trong bốn nhà toán học giành giải Fields – giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực Toán học, tương đương với giải Nobel, đưa Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai, sau Nhật Bản, có nhà toán học đoạt giải thưởng này.
Năm 1994, Ngô Bảo Châu kết hôn với Nguyễn Bảo Thanh, người bạn học chuyên Toán cùng lớp từ thời trung học tại Trường THCS Trưng Vương. Hiện tại, ông và vợ đều đang làm việc tại Đại học Chicago - một trong những trường đại học hàng đầu thế giới.
Xuất thân từ "danh gia vọng tộc"
Có thể nói, một trong những nền tảng giúp ông Ngô Bảo Châu có được thành tựu như ngày hôm nay là do ngay từ nhỏ đã được bồi dưỡng trong môi trường rất thuận lợi.
Bố ông là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Ngô Huy Cẩn (sinh năm 1941), quê ở Tảo Khê, Ứng Hòa (Hà Tây cũ). Ông học ở Nga, làm luận án Tiến sĩ Khoa học ở đó và được Nhà nước ta phong Giáo sư năm 1990. Ông nguyên là cán bộ Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước.
Mẹ ông là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền. Bà Hiền đã từng học ở trường nhạc Việt Nam hệ 7 năm, sau đó mới vào khoa Hóa Đại học Bách Khoa. Bà theo nghề dược, nhiều năm làm việc ở Viện Y học Cổ truyền Trung ương.
Tuổi thơ của Giáo sư Ngô Bảo Châu gắn liền với mẹ và gia đình bên ngoại, đặc biệt là ông ngoại.
Trong một cuộc phỏng vấn với Báo Dân Trí năm 2016, bà Trần Lưu Vân Hiền tiết lộ rằng, gia đình bà là một gia đình học thức và có truyền thống. Cụ nội của bà, Đông các học sỹ Trần Lưu Huệ, từng là Tổng đốc Hà Nội và làm quan qua bốn triều vua.
Bố của bà là Trần Lưu Hân người mở trường tư thục đầu tiên ở Hà Nội. Bà vốn người Hà Nội gốc, vào những năm bốn mươi của thế kỷ trước, gia đình bà khá giàu, có nhiều nhà cửa, có cả xe ô tô và nhiều tài sản có giá trị…
Ngay từ nhỏ, Ngô Bảo Châu đã được giáo dục toàn diện. Được học vẽ, học nhạc, học chơi đàn violin. Bà Vân Hiền nói rằng, việc quan trọng bậc nhất mà gia đình luôn nhắc nhở, định hướng cho Châu là học làm người; mà điều quan trong bậc nhất của con người là tính trung thực.
Được biết, ông Ngô Bảo Châu là cháu của Giáo sư Toán học Ngô Thúc Lanh - người viết cuốn đại số đầu tiên ở Việt Nam. Có thể nói, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được giáo dục, được thừa hưởng truyền thống tri thức, truyền thống hiếu học của gia đình bên nội lẫn bên ngoại.