Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dải bờ biển tuyệt đẹp chạy dài qua hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn những ngày qua vắng lặng, không có du khách ghé thăm, nhiều khách sạn, nhà hàng cửa đóng then cài. Những chương trình du lịch, những lễ hội biển được ngành du lịch Đà Nẵng và các doanh nghiệp dốc hết tâm sức đầu tư giờ chót cũng đã phải dừng lại khi “cơn bão” Covid-19 lần thứ 4 đổ bộ trực tiếp vào đây.
Mùa hè - “mùa vàng” du lịch Việt, rất nhiều địa phương rộn ràng “trình làng” các tour độc đáo, thú vị hy vọng thu hút hàng triệu du khách sau đợt “mất mùa” dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Các hãng lữ hành, hãng hàng không, khách sạn, resort tung ra những chương trình khuyến mại cùng nhiều quà tặng dành cho du khách suốt mùa hè rực rỡ. Trước khi vào hè, các địa phương, hãng lữ hành hứng khởi khi các du khách đặt kín tour. Nhưng, Covid-19 lại trở lại lần thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 khiến ngành “công nghiệp không khói” của Đà Nẵng một lần nữa chao đảo, dự báo một mùa du lịch hè… thất thu.
Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch cho mùa du lịch hè 2021 với thông điệp “Đà Nẵng - xanh tươi chào bạn”, “Rực rỡ sắc hè Đà Nẵng”, “Đà Nẵng - đến là để yêu”. Du khách đến Đà Nẵng sẽ được trải nghiệm sự năng động, nhiều sắc màu của các sự kiện, hoạt động du lịch với các sản phẩm như: Chương trình khai trương mùa du lịch biển; Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng; các sản phẩm, hoạt động diễn ra vào mùa hè tại biển; du lịch sinh thái, cộng đồng tại suối Hoa, Tà Lang, du lịch nông nghiệp; chương trình kích cầu du lịch; tuần lễ Golf; phố đêm biển Mỹ An; đêm Đà Nẵng; tour đường thủy nội địa... các chương trình kích cầu về du lịch hội thảo sẽ được kích hoạt để thu hút khách đến với Đà Nẵng.
Tuy nhiên, ngay khi ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch, trong đó người dân và du khách không được phép tắm biển bắt đầu từ ngày 4/5. Đây là lần thứ 2 Đà Nẵng phải đóng cửa bãi biển để chống dịch Covid-19. Trước đó, trong đợt dịch bùng phát hồi cuối tháng 7 năm ngoái, thành phố này cũng đã áp dụng lệnh cấm các hoạt động trên bãi biển trong 45 ngày.
Việc tạm dừng tắm biển để hạn chế tập trung đông người, tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Dọc bãi biển đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành lực lượng chức năng tiến hành căng dây, treo biển thông báo để người dân nắm và thực hiện. Dọc các bờ biển vắng bóng người dân và du khách. Theo lực lượng làm nhiệm vụ, người dân Đà Nẵng chấp hành nghiêm yêu cầu tạm dừng tắm biển. Trên những bờ cát, hàng trăm ki ốt cũng chịu cảnh tương tự. Những ghế dài, ô xòe, mái lá rực lên vẻ hiu hắt. Vài chủ ki ốt ra dọn dẹp, lau chùi, kiểm đếm và bảo quản tài sản. Nhiều người ngày ngày vẫn ra biển chỉ để ngắm bình minh. Không còn chỗ ngồi tốt như trước, mọi dịch vụ hầu như bị đóng, những chiếc ghế dài gác lên, đệm đã được tháo đi.
Những du khách đã trót đặt tour nghỉ mát mùa hè, người đi thì hoang mang, lo ngại lây nhiễm dịch bệnh, người hủy tour thì xót xa, tiếc của. Các cơ sở lưu trú hay các hãng lữ hành kêu trời vì đơn hủy tour ào ào kéo tới. Nhiều người vay tiền để đầu tư làm dịch vụ nhưng tiền lợi nhuận không đủ trả lãi suất ngân hàng. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn đã phải cho nhân viên nghỉ việc. Qua ba đợt dịch bùng phát, doanh nghiệp du lịch vẫn cố gắng bám trụ thị trường và du lịch cho thấy không chỉ là nhu cầu thiết yếu của người dân, mà duy trì hoạt động này còn thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Bên cạnh việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cho biết đang chú trọng kích cầu du lịch nội địa thông qua xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tổ chức các sự kiện du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong tình hình mới.