Đa dạng sản phẩm du lịch chuyển đổi số tại Di sản Văn hóa Mỹ Sơn

(CL&CS) - Du lịch có thể xem là một trong những lĩnh vực đi tiên phong thực hiện chuyển đổi số. Tại Mỹ Sơn, sản phẩm du lịch chuyển đổi số ngày càng được đồng bộ, chuyển đổi mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực.

Du lịch góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Là ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm. Theo thống kê thì ngành du lịch đã đóng góp ước tính 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 5 triệu người trong các lĩnh vực phụ trợ của du lịch và liên ngành.

Để phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 kéo dài, ngày 30/8/2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Theo kế hoạch, Quảng Nam xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch Quảng Nam giai đoạn 2025 - 2030, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Nam thành điểm đến xanh - sạch - độc đáo - an toàn - hấp dẫn và thân thiện với du khách.

Trong kế hoạch phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch sau đại dịch ban hành, tỉnh xác định lấy trải nghiệm du khách làm trung tâm theo định hướng mới của ngành du lịch Việt Nam. Đón trước những thời cơ, vận hội mới, nhiều điểm du lịch đã đổi mới sản phẩm, nâng cấp chất lượng để thu hút khách. Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn được UBND huyện quan tâm chỉ đạo, đề án phát triển du lịch huyện Duy Xuyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030 đã tạo cơ sở để du lịch Duy Xuyên nói chung và Mỹ Sơn nói riêng phát triển với những hướng đi mới, phù hợp.

Năm 2023, du lịch Mỹ Sơn có sự phục hồi trở lại, đạt trên 350 ngàn lượt khách, so với năm 2022, đạt trên 300%, so với thời điểm trước dịch năm 2019 bằng khoảng 82%, trong đó khách quốc tế trong năm này đạt trên 300 ngàn lượt. Đối tượng, thành phần khách sau dịch cũng có nhiều thay đổi. Trong đó, khách châu Á, tuy thị trường khách Bắc Á mà cụ thể là Nhật Bản, Trung Quốc chưa phục hồi nhưng những thị trường mới như Ấn Độ, Malaysia đã đóng góp vào tổng tỷ trọng khách quốc tế đến khu di sản. Việc chi tiêu cho các hoạt động dịch vụ tại Mỹ Sơn cũng tăng hơn so với các năm trước dịch góp phần phát triển các loại hình du lịch mua sắm, dịch vụ bán hàng. Các sản phẩm như múa Chăm, trung chuyển xe điện, thuyết minh, thuê trang phục Chăm, trải nghiệm môi trường sinh thái được sử dụng nhiều hơn. Điều này đã đóng góp việc tăng doanh thu, góp phần nào bù đắp thời gian 3 năm đại dịch Covid-19 bao trùm lên hoạt động du lịch dịch vụ tại Khu di sản.

Trong hoạt động du lịch, phân tích của các chuyên gia thì hiện nay theo xu hướng du lịch chủ động nên ngày càng nhiều du khách có nhu cầu tự kết nối với các nhà cung cấp, tự trải nghiệm theo hướng dẫn thông qua công nghệ, dùng công nghệ kết nối, chia sẻ về thông tin, tương tác điểm đến. Việc thực hiện chuyển đổi số trong du lịch là nhằm giúp cho hoạt động du lịch trở nên đa dạng hơn, vừa là sản phẩm trải nghiệm vừa là dịch vụ hỗ trợ trải nghiệm điểm đến giúp du khách dễ dàng trong việc chuẩn bị trước chuyến đi, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ giá trị điểm đến, kết nối, chia sẻ, lan tỏa những hành động tích cực, ý thức bảo vệ văn hóa bản địa, tài nguyên du lịch. Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch còn là chất xúc tác tối ưu hóa bộ máy vận hành, nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Không nằm ngoài xu hướng chung trong hoạt động chuyển đổi số, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã áp dụng và thực hành công nghệ đối với hoạt động du lịch tại khu di sản, vừa giúp cho việc thu hút du khách vừa đưa công nghệ tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa giá trị phục vụ cho hoạt động du lịch, đây là cách tích hợp, khai thác hợp lý công nghệ số, là hoạt động chuyển đổi số có tính hiệu quả và thiết thực đạt được trong các năm qua. Trên lĩnh vực quảng bá xúc tiến, công nghệ số đóng góp vào việc kết nối các loại hình dịch vụ, giá trị di sản đến du khách thông qua các phần mềm ứng dụng mạng xã hội Facebook, Instagram, Gmail dùng chung, Zalo nhóm nhằm quảng bá điểm đến.

Đến tham quan Mỹ Sơn du khách có thể ứng dụng nhiều công nghệ hỗ trợ trong hoạt động tham quan như sử dụng loại hình dịch vụ bán vé online, soát vé qua mã QR, thanh toán chuyển khoản qua mã quét QR và thẻ visa, cập nhật thông tin trên nền tảng google map, trang fanpe, youtube, website của đơn vị… Trong đó, những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trực tiếp đầu tư vào hệ thống hạ tầng đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực đối với hoạt động du lịch, tối ưu hóa thành những sản phẩm với những ứng dụng số thông minh.

Từ sản phẩm website thực tế ảo VR360 chi tiết tích hợp tính năng thuyết minh ảo, thuyết minh giới thiệu tổng quan, đưa mô hình 3D bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World khi đi vào hoạt động đã được du khách quan tâm sử dụng. Tính năng của sản phẩm này là dù ở bất kỳ nơi đâu du khách cũng có thể tham quan, tương tác tại các vị trí của khu đền tháp thông qua hệ thống thế giới ảo Metaverse giúp du khách tham quan, trải nghiệm như ngoài thực tế, người dùng có thể đi bộ, tương tác, kể cả chụp ảnh trong khu đền tháp, di chuyển đến vị trí mình yêu thích, tạo cảm giác như mình đang có mặt tại Mỹ Sơn.

Với sản phẩm thuyết minh đa ngôn ngữ (Audio Guide) là chương trình hợp tác giữa Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn và công ty VIETSOFTPRO được đưa vào thử nghiệm từ ngày 19 tháng 6 năm 2023. Đây là sản phẩm chuyển đổi số sử dụng công nghệ để cung cấp thông tin đến du khách tham quan tại di tích Mỹ Sơn. Trên thế giới tại các bảo tàng, di tích nổi tiếng hầu hết đều sử dụng công nghệ Audio Guide thay cho hướng dẫn viên, như Bảo tàng Louvre – Pháp, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan – Mỹ, Bảo tàng Quốc gia London – Anh… Tại Việt Nam, xu hướng áp dụng công nghệ Audio Guide vào bảo tàng và di tích, bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Sản phẩm với 6 thứ tiếng là Việt, Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Trung đưa vào sử dụng đến nay được du khách rất hài lòng và đánh giá cao không chỉ trong việc hỗ trợ tìm hiểu thông tin về Mỹ Sơn mà thực sự là sản phẩm du lịch có gía trị trải nghiệm cao. Sản phẩm này với những ưu điểm vượt trội như: Khách tham quan chủ động nghe các bài thuyết minh theo ý thích của mình; hỗ trợ thuyết minh nhiều ngôn ngữ đối với nhiều thành phần khách; du khách có thể chủ động nghe lại nhiều lần, đồng thời sau thời gian sử dụng, những nội dung thuyết minh sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp do tính năng dễ dàng cập nhật thêm nội dung mới.

Khi đến Mỹ Sơn không phải bất cứ du khách nào cũng hiểu hết được các gía trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, nên việc đưa sản phẩm mới chuyển đổi số thuyết minh đa ngôn ngữ (Audio Guide) vào phục vụ thì đây là sản phẩm rất phù hợp và hiệu quả, có tác dụng góp phần giúp cho Ban Quản lý quản lý được nội dung thuyết minh dễ dàng. Các nội dung thuyết minh được kiểm duyệt trước khi đưa vào sử dụng nên rất chính xác. Du khách được nghe thuyết minh rõ ràng mà không chịu ảnh hưởng môi trường xung quanh trong những thời điểm đông khách tập trung.

Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trên lĩnh vực du lịch đều nhằm mục đích xây dựng, định hình được hệ sinh thái ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành, phục vụ cung cấp dịch vụ, tiện ích ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản.

Những sản phẩm như tham quan thực tế ảo 360, website 3600, thuyết minh đa ngôn ngữ, màn hình tương tác thông tin tích hợp giới thiệu điểm đến là những sản phẩm triển khai nhằm mục đích cải thiện, nâng cao chất lượng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan, góp phần quảng bá, giới thiệu Mỹ Sơn đến du khách trong và ngoài nước, mang lại lợi ích thiết thực, khai thác hiệu quả công nghệ vào làm giàu giá trị di sản, từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất Việt Nam và thế giới nhằm giải quyết hài hòa bài toán phát triển du lịch nhưng không mâu thuẫn với bảo tồn. Đồng thời giải quyết chuyện đầu tư nguồn lực của nhà nước nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến để cùng chia sẻ lợi ích đến doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch.

Trong thời gian đến, ngoài các dữ liệu đa phương tiện truyền thống (phim, hình ảnh, văn bản…), hệ thống du lịch thông minh đối với Mỹ Sơn sẽ tập trung vào việc xây dựng dữ liệu số 3D, sách điện tử và mô hình thực tại ảo (AR). Tiếp tục áp dụng công nghệ số như thẻ điện tử, AI vào quản lý các hoạt động du lịch nhằm mang lại sự tiện ích, đa dạng dịch vụ, sản phẩm du lịch, tăng giá trị trải nghiệm cho khách tham quan.

Du lịch có thể xem là một trong những lĩnh vực đi tiên phong thực hiện chuyển đổi số. Dù vậy, để chuyển đổi số trong hoạt động du lịch thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cũng như tiện ích cho du khách vẫn còn phải tiếp tục đầu tư. Tại Mỹ Sơn, sản phẩm du lịch chuyển đổi số ngày càng được đồng bộ, chuyển đổi mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực. Những kết quả này góp phần vào thực hiện kế hoạch xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Nam nói chung và Duy Xuyên nói riêng thành điểm đến xanh - sạch - độc đáo - an toàn - hấp dẫn và thân thiện với du khách và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm” của du lịch Quảng Nam.

TIN LIÊN QUAN