Gắn Điểm OCOP với làng nghề
Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết năm 2023, thành phố Hà Nội có trên 100 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó có rất nhiều điểm tại khu vực ngoại thành. Việc phát triển Điểm OCOP khu vực này, chủ yếu dựa trên các địa điểm, cửa hàng kinh doanh tại địa phương, khu du lịch, làng nghề truyền thống để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Việc Hà Nội mở thêm các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm chất lượng, an toàn.
Việc phát triển các Điểm OCOP gắn với du lịch nông thôn, làng nghề là cơ hội tốt để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước biết đến những sản phẩm chất lượng do các nghệ nhân, làng nghề sản xuất; đã phát triển trên 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề như: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (2 điểm OCOP); làng nghề gốm sứ Bát Tràng (2 điểm OCOP); làng cổ Đường Lâm - thị xã Sơn Tây; làng nghề may Vân Từ, nghề gỗ Sơn Hà - huyện Phú Xuyên; làng nghề sơn mài Hạ Thái, Thường Tín; du lịch cộng đồng xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; Cửa hàng Khánh Phát - xã Tản Lĩnh, Ba Vì giới thiệu sản phẩm OCOP từ sữa, sản phẩm huyện Ba Vì… là địa điểm giới thiệu, mua sắm tin cậy với du khách đến với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Thuyết - Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Sau khi tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các Điểm OCOP, các sản phẩm của hợp tác xã được đông đảo người tiêu dùng biết đến, doanh thu cũng vì thế tăng lên nhiều. Đây chính là lời khẳng định chất lượng, thương hiệu của các sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng”.
Không chỉ theo các thức truyền thống, nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được áp dụng theo những mô hình mới như kết hợp quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Ví dụ như tại không gian Mitix Caffee số 192 Quán Thánh, quận Ba Đình, người tiêu dùng không chỉ thưởng thức cà phê, không gian cà phê, decor tại cửa hàng, mà đơn vị này còn kết hợp việc giới thiệu sản phẩm OCOP chất lượng của quận Ba Đình đến với người tiêu dùng; việc làm này không chỉ tận dụng không gian, trang trí tại cửa hàng, mà còn có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng.
Hà Nội khai trương Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện Ba Vì
Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội tích cực hỗ trợ giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố vào các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, tăng cường nhận diện, quảng bá sản phẩm OCOP phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.
Theo bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Hà Nội, những Điểm OCOP có ý nghĩa quan trọng trong phát triển hệ thống phân phối hàng Việt trên toàn Thành phố, giúp nhân dân, người lao động khu vực ngoại thành nhận biết, lựa chọn là địa điểm mua sắm uy tín, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng với những sản phẩm OCOP của những đơn vị sản xuất uy tín đã được đánh giá, phân hạng… Do đó, các đơn vị ý thức được việc cần tiếp tục hỗ trợ Điểm OCOP duy trì, vận hành, kết nối sản phẩm đa dạng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Nhân rộng các điểm trưng bày sản phẩm
Thời gian quan, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã giới thiệu địa điểm để hướng dẫn, phát triển thành các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo tiêu chí của Bộ Công Thương trong năm 2023, đã hướng dẫn, khảo sát, phát triển thêm trên 20 Điểm OCOP tại các quận huyện: Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình, Mê Linh, Thường Tín…
Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại huyện Thanh Oai
Ðể các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gia tăng về số lượng và phát triển về chất lượng, theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mở thêm nhiều Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, Sở Công Thương sẽ là đầu mối kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại trên địa bàn giúp các sản phẩm OCOP đến gần với người dân hơn.
Với cách tiếp cận mới, bài bản và khoa học, các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Hà Nội sẽ còn được nhân rộng trong thời gian tới. Đây không chỉ là những địa chỉ tin cậy nhằm quảng bá và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng không chỉ của Hà Nội và của các tỉnh thành, mà còn là địa chỉ mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng Thủ đô.
Các sản phẩm OCOP luôn nhận được sự quan tâm và là lựa chọn của người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay việc vận động các đơn vị có địa điểm kinh doanh phát triển thành Điểm OCOP còn gặp khó khăn. Nhiều đơn vị chưa sẵn sàng kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm mới, ưu tiên vị trí thuận lợi để trưng bày đến người dân, trong khi những vị trí tốt thường được các nhãn hàng lựa chọn và có những chính sách ưu đãi đối với cửa hàng, do đó rất khó khăn trong việc vận động các chủ thể ưu tiên cho sản phẩm OCOP. Thứ hai, khó khăn trong việc vận động đơn vị tham gia phát triển Điểm OCOP bố trí kinh phí để mua thêm giá, kệ trưng bày; bổ sung, thay thế bảng, biển theo quy định.
“Tiếp tục nhiệm vụ Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong thời gian tiếp theo, Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, vận động, hướng dẫn các đơn vị có các địa điểm, cửa hàng kinh doanh tham gia phát triển thành Điểm OCOP để góp phần tăng cường nhận diện sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng nhận biết, ưu tiên lựa chọn tiêu dùng”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Sở Công Thương Hà Nội cũng thường xuyên cung cấp thông tin danh sách trên 4.000 sản phẩm OCOP của Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố đến doanh nghiệp, đơn vị quản lý, vận hành các Điểm OCOP để chủ động kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu.