Cuộc sống sẽ chất lượng hơn sau đại dịch Covid 19?

(CL&CS)- Từ dịch bệnh Covid 19 kinh hoàng này, loài người đã nhận ra phải ăn sạch, ở sạch và cẩn trọng hơn trong sinh hoạt, ăn uống, đi lại...

Mặc dù đang tàn phá, khiến hơn 3 triệu người nhiễm bệnh và 217 người thiệt mạng nhưng từ dịch bệnh Covid 19 kinh hoàng này, loài người đã nhận ra phải ăn sạch, ở sạch và cẩn trọng hơn trong sinh hoạt, ăn uống, đi lại...

Rửa tay và đeo khẩu trang nơi công cộng có thể xa lạ với những nước phát triển nhưng khá quen thuộc với người Việt Nam khi mà khói bụi, ô nhiễm cùng điều kiện vệ sinh chưa tốt vẫn hiển hiện ở nhiều nơi. Giờ đây thói quen tốt ngay cả khi không còn dịch bệnh ấy nếu được duy trì sẽ tốt cho cả sức khỏe cá nhân lẫn môi trường sống xung quanh.

Những hàng quán bề bộn, người ngồi san sát, tồn tại bất chấp cống rãnh, rác rến xung quanh cũng đang chuyển mình cho mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ hơn. Chủ hàng, chủ tiệm làm điều đó không chỉ để đáp ứng những bộ quy chuẩn mới ban hành của cơ quan chức năng mà giúp họ thu hút, nhiều khác ngày càng xem trọng vệ sinh, chất lượng sống hơn.

Cho đến nay, TP.HCM đã ban hành 06 Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 trong các lĩnh vực: du lịch, kinh doanh vận tải, dịch vụ ăn uống, trường học, chợ siêu thị, văn hóa thể thao. Sắp tới những bộ tiêu chí khác cũng sẽ được hoàn thiện và “nhân rộng” ra toàn quốc để chúng ta có thể “ Sống chung an toàn với Covid 19”.

Giờ đây và có lẽ kể cả khi dịch bệnh chấm dứt thì ý thức phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường sống đã được nâng cao khá nhiều. Điều đó không chỉ tốt khi phải chống chọi với Covid 19 mà còn giúp thế giới này xanh, sạch, đẹp hơn khi con virus quái ác này bị đánh bại.

Không chỉ xoay quanh chuyện vệ sinh hay môi trường, thời gian dài giãn cách xã hội và những ngày cách ly tại gia đủ để giúp nhiều người có thời gian tĩnh lặng và sắp xếp cuộc sống tương lại tốt hơn. Đây là tâm sự của một Giám đốc kinh doanh buộc phải ở nhà trong thời gian qua: “Ở nhà tôi có cả tủ sách. Những dạng sách như hạt giống tâm hồn, chữa lành tổn thương tôi thích đọc hơn cả. Trong mỗi sự kiện xảy đến với mình, mình đọc được một cuốn sách đúng thời điểm cảm giác rất quý. Nó khiến mình thấy dịu lòng hơn, dễ tha thứ, bỏ qua hơn”.

Còn chia sẻ sau của một bạn trẻ luôn tất bật với công việc: “Nếu chỉ biết than vãn và suy nghĩ tiêu cực, mọi thứ không tốt lên mà chỉ tồi tệ đi. Bình tâm giữa dịch bệnh, sống chậm lại, suy ngẫm những gì mình đã làm được và cần nỗ lực gì hơn, đó là lựa chọn của những người trẻ tích cực”.

Một tháng qua, có lẽ là thời gian rãnh rỗi nhiều và hiếm có nhất trong cuộc đời của rất đông người. Không ít trong số ấy chọn cách suy nghĩ tích cực hơn, dành thời gian sống chậm cho mình và người thân, chăm sóc con cái, gia đình. Có vị chăm chỉ nấu ăn hơn, thay cho thói quen ăn uống ở ngoài tiệm tốn kém và không an toàn. Người lại có dịp trò chuyện, hiểu thêm con cái để nhận ra những điều trước đây bị công việc cuốn phăng đi.

Có thể khi cuộc sống, sinh hoạt, làm việc... trở lại bình thường thì mọi thứ sẽ đổi khác. Tuy nhiên với những gì mà số đông chiêm nghiệm, nếm trải và thực hành trong thời gian giãn cách xã hội đã qua cũng như nhận thức rõ ràng về dịch bệnh và tai họa có thê ập đến bất cứ lúc nào, có lẽ cuộc sống của mỗi người sẽ có chất lượng tốt hơn sau đại dịch này.

                                                                                                                                                          Phan Nguyễn

Nên đọc