Từ xa xưa, nền giáo dục của Việt Nam đã có sự xuất hiện của các thầy đồ và ông giáo, tuy nhiên, đều là nam giới. Người phụ nữ đầu tiên trở thành giáo viên ở Việt Nam là Nguyễn Thị Lộ, xuất hiện vào thế kỷ 15, trong thời kỳ nhà Lê.
Nguyễn Thị Lộ (1400 - 1442) quê ở làng Hải Triều (hay còn gọi là Hải Hồ), nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà có xuất thân trong một gia đình khá giả, cha làm nghề bốc thuốc. Từ nhỏ, Nguyễn Thị Lộ đã được giáo dục với việc đọc sách, thành thạo với Tứ thư, Ngũ kinh, Nam y, Nam sử...
Không chỉ thông minh và học rộng, Nguyễn Thị Lộ còn rất xinh đẹp. Nguyễn Thị Lộ nổi tiếng là người hay chữ. Mối lương duyên của bà và Nguyễn Trãi cũng bắt nguồn từ thi ca. Một hôm, Nguyễn Trãi đi chầu về, trên đường gặp một cô bán chiếu xinh đẹp, liền ngâm mấy câu thơ ghẹo, nào ngờ, cô bán chiếu cũng ngâm thơ đáp lại. Thế rồi tơ duyên đưa đẩy, trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, hai người tâm đầu ý hợp dự tính chuyện trăm năm. Khi trở thành thiếp của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ không chỉ hỗ trợ chồng trong công việc mà còn đảm nhận vai trò giáo dục con cái của họ, còn dạy cả con em thủ lĩnh và nghĩa quân ở Lam Sơn.
Khi vua Lê Thái Tông lên ngôi, Nguyễn Thị Lộ được mời vào cung và được phong làm Lễ nghi Học sĩ. Công việc của bà chủ yếu tập trung vào việc thay vua và hoàng hậu quán xuyến mọi hoạt động trong cung, thiết lập kỷ cương, dạy cung nữ và giảng sách cho vua.
Nguyễn Thị Lộ là người phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam được phong chức vụ cao như vậy, một sự kiện chưa từng có trong thời kỳ mà trọng nam khinh nữ là quy luật chung. Điều này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò nhà giáo.
Sử thần Vũ Quỳnh (1452 - 1516) đã ca ngợi người thiếp của Nguyễn Trãi rằng: “Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước. Cậu bé bất trị nay đổi thành một "Minh Quân" khác hẳn trước”.
Tuy nhiên, sau đó, một biến cố không lường trước đã xảy ra. Năm 1442, vua Lê Thái Tông sau khi ghé thăm Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi thì mắc bệnh nặng và qua đời. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị buộc tội giết vua và bị “tru di tam tộc”.
Cho đến sau 20 năm, vua Lê Thánh Tông mới đưa ra chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi. Nhiều giả thiết đưa ra rằng Nguyễn Trãi và vợ bị hãm hại bởi Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh do họ đã ủng hộ bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, người mẹ của vua Lê Thánh Tông. Ngoài ra, còn phải đối mặt với sự thù ghét từ một nhóm quan lại trong triều đình thời kỳ đó.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chỉ có Nguyễn Trãi được giải oan, trong khi Nguyễn Thị Lộ vẫn tiếp tục chịu đựng sự dè bỉu từ thiên hạ. Sau nhiều cuộc nghiên cứu và hội thảo khoa học, hơn 560 năm sau, bà mới được minh oan. Một số nhà nghiên cứu, dưới sự chủ biên của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, đã thành công biên soạn cuốn sách “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” (Xuất bản năm 2004) và đã trả lại sự trong sạch cho người phụ nữ xuất sắc đầu tiên trong lịch sử giáo dục của Việt Nam.