Cuối tháng 4/2023, cung đường bao biển được nhận xét là "đẹp nhất Việt Nam" đã chính thức khánh thành. Con đường còn được đặt thêm nhiều cái tên khác như con đường ven biển hiện đại và độc đáo nhất hay con đường "bao quanh" di sản. Nó không ở đâu xa, mà chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 2 giờ lái xe. Đó là đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dài 18,7 km, rộng 6 làn xe, kết nối hai vịnh Hạ Long và Bái Tử Long và giảm tải cho quốc lộ 18. Tuyến đường khởi công tháng 8/2019, điểm đầu kết nối với đường bao biển Trần Quốc Nghiễn ở TP Hạ Long, điểm cuối kết nối với cảng Km6 ở TP Cẩm Phả.
Một đoạn thuộc tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Ảnh: Báo Xây Dựng.
Được mệnh danh là tuyến đường bao biển đẹp nhất hay độc đáo nhất Việt Nam, chính là bởi khi lưu thông trên con đường này, người ta có thể ngắm trọn vẹn khung cảnh sơn thủy hữu tình hai bên đường. Một bên là dãy núi sừng sững với những rừng cây xanh ngát, một bên là biển xanh rộng mênh mông, sâu thẳm.
Tuyến đường 6 làn xe này còn đi qua di tích núi Bài Thơ và nhiều công trình kiến trúc đẹp như Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, đồng thời kết nối vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.
Tuyến đường Hạ Long - Cẩm Phả nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Người Lao Động.
Nhiều người nhận xét, nếu đừng từ đỉnh núi Bài Thơ nhìn xuống, tuyến đường bao biển trông giống như một dải cầu vồng lung linh sắc hoa bám theo bờ vịnh Hạ Long. Một bên là đô thị với những ngôi nhà hiện đại một bên là núi đá và biển.
Điểm nhấn của công trình là hai ống hầm xuyên núi, dài 235 m, mỗi ống có ba làn xe, tổng mức đầu tư xây dựng 247,5 tỷ đồng. Đây là hầm đường bộ dài nhất tỉnh Quảng Ninh và được ví là "kỳ quan mới nơi đất Mỏ". Việc xây hầm thay cho giải pháp xẻ núi làm đường được cơ quan chức năng đánh giá là làm giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế sạt lở và giữ gìn cảnh quan bên bờ vịnh Bái Tử Long.
Đường hầm xuyên núi thuộc dự án Hạ Long - Cẩm Phả. Ảnh: Báo Giao Thông.
Đường bao biển chạy xuyên qua rừng ngập mặn. Trong quá trình xây dựng đường bao biển, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tất cả các vị trí rừng ngập mặn phía bên trong phải có phương án bắc cầu, cống thông thủy với biển, đảm bảo rừng ngập mặn sinh trưởng phát triển bình thường.
Sáng sớm hoặc chiều tối, nhiều người dân lại đạp xe dọc tuyến đường bao biển tập thể dục ngắm cảnh thiên nhiên. Cung đường được thiết kế uốn lượn men theo những ngọn núi và sát vịnh nên ít tác động đến cảnh quan tự nhiên.
Ban đầu đường thiết kế 4 làn xe, rộng 18 m, mức đầu tư là 1.364 tỷ đồng, thông xe vào tháng 1/2022. Tuy nhiên, để đảm bảo đồng bộ với tuyến Trần Quốc Nghiễn, UBND tỉnh Quảng Ninh đã điều chỉnh quy mô lên 6 làn xe. Chiều rộng làn đường mở rộng mỗi bên 3,75 m, nâng tổng mức đầu tư lên 2.290 tỷ đồng, bằng khoảng 1/4 tổng thu ngân sách của TP Hạ Long.
Ảnh: Nhịp sống thị trường.
Đặc biệt, TP Hạ Long đã đầu tư gần 170 tỷ đồng để làm vỉa hè mỗi bên rộng 5 m, hệ thống thoát nước dọc tuyến, trồng cây chà là, ban tím, hoa giấy để tạo cảnh quan.
Khi hoàn thành vào ngày 30/4, tuyến đường không chỉ giảm tải cho quốc lộ 18 mà còn kết nối vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới và vịnh Bái Tử Long - di sản ASEAN, phát huy dư địa đất đai dọc tuyến, phù hợp tư duy hướng biển, phát triển kinh tế từ biển của Quảng Ninh.