Tổng cục Thống kê vừa cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020, tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 5 nhóm giảm giá so với tháng trước (nhà ở và vật liệu xây dựng, giáo dục, giao thông, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, bưu chính viễn thông), 6 nhóm tăng giá (đồ uống và thuốc lá, thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, may mặc, văn hóa giải trí du lịch, hàng hóa và dịch vụ khác).
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 9/2021 giảm 0,16% so tháng trước với thực phẩm giảm 0,3%, lương thực tăng 0,12% và và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,04%. Sau 2 tháng liên tiếp giá thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chỉ thị số 16 về việc giãn cách xã hội, nguồn cung thực phẩm được bảo đảm nên người dân không còn tâm lý mua gom tích trữ, cụ thể giá giảm ở một số mặt hàng: thịt heo, thị gia cầm, trứng.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,17% do giá thuốc lá tăng khi chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung giảm; nước giải khát có ga, nước khoáng, nước tăng lực tăng giá do chi phí vận chuyển tăng giá.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,99%. Tiền thuê nhà giảm do nhiều hộ gia đình giảm giá để chia sẻ khó khăn với người dân, đồng thời khuyến khích cho thuê lâu dài trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Giá điện, nước sinh hoạt giảm chủ yếu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã, đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để hỗ trợ giảm giá điện, nước cho các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 4. Thêm vào đó, thời tiết chuyển sang thu nên nhu cầu tiêu dùng điện, nước của người dân cũng giảm so với tháng trước.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%. Nhiều trường học thực hiện khai giảng năm học mới 2021-2022 dưới hình thức trực tuyến, nhu cầu sử dụng các thiết bị phục vụ học tập tăng cao làm chỉ số giá máy in, máy chiếu, máy quét, máy vi tính và phụ kiện tăng. Qua thời gian khuyến mãi trong tháng Bảy âm lịch, hàng điện tử, điện lạnh… quay trở lại mức giá cũ. Nhu cầu sử dụng các loại vật phẩm tiêu dùng gia đình tăng làm cho giá xà phòng, chất tẩy, thuốc diệt côn trùng tăng.
Nhóm thuốc và dịch vụ tăng 0,03%. Dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp, các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng chống dịch nên nhu cầu mua các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, vitamin, khoáng chất, chống dị ứng, dụng cụ y tế đều tăng giá.
Nhóm giao thông giảm 0,16% do giá nhiên liệu bình quân giảm và giá ô tô đã qua sử dụng giảm do các đại lý kinh doanh gặp khó khăn về tài chính nên giảm giá nhiều loại xe.
Nhóm giáo dục giảm 2,89%. Nguyên nhân chủ yếu do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện miễn, giảm học phí năm học mới 2021-2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhưng chiều ngược lại, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập, sách giáo khoa, bút viết, văn phòng phẩm và đồ dùng học tập đều tăng giá.
Các nhóm hàng khác có mức giá tháng 9/2021 tăng không đáng kể so với tháng trước gồm: Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,02%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,82%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng.
Mức lạm phát cơ bản tháng 9/2021 và 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.