COVID-19: Đức, Ialia, Czech, Nhật lo đối phó với biến thể Omicron

(CL&CS) - Tính đến sáng 15/1/2022, với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” COVID-19 mới.

Tại Đức, trong báo cáo tuần, Viện Robert Koch (RKI) cho biết biến thể Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo ở nước này, khi gây ra 73,3% số ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc, so với 44,3% ghi nhận 7 ngày trước đó, dự báo số ca nhiễm mới biến thể Omicron sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận hơn 81.000 ca mắc mới - con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát - trong bối cảnh cơ quan quản lý khủng hoảng dịch COVID-19 của chính phủ nước này cảnh báo nguy cơ thiếu các bộ xét nghiệm.

Viện Y tế quốc gia (ISS) Italia cũng cho biết Omicron là “thủ phạm” gây nhiều ca bệnh mới nhất, theo kết quả khảo sát nhanh, Omicron đã gây ra 81% ca nhiễm mới, cao gần gấp 4 so với cuộc khảo sát trước đó.

Đức, Ialia, Czech, Nhật lo đối phó với biến thể Omicron (Ảnh: AFP)

Tại Cộng hòa Czech, nhà virus học Evžen Bouřa của Viện Hóa sinh và hóa hữu cơ thuộc Viện Hàn lâm khoa học Czech, cho rằng người dân nước này khó tránh lây nhiễm biến thể Omicron vì biến thể này có thể sẽ xuất hiện trở lại vào mùa Thu tới do miễn dịch mà mọi người đạt được sẽ kéo dài chưa đầy một năm.

Dịch COVID-19 cũng đang lan rộng trên khắp Nhật Bản, đặc biệt ở các đô thị lớn và các khu vực có căn cứ quân sự của Mỹ, trong 24 giờ qua, số ca mắc mới lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 ca/ngày kể từ đầu tháng 9/2021 Thủ đô Tokyo có tới 4.051 ca mắc mới - mức cao nhất kể từ ngày 27/8/2021), tăng gấp gần 6 lần so với một tuần trước đó.

Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới ở Đức, Italia, Czech, Nhật Bản là do biến thể Omicron. Sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới đang ảnh hưởng tới hệ thống y tế của nhiều khu vực.

Nhật Bản đã rút ngắn thời gian cách ly đối với các nhân viên y tế được xác định có tiếp xúc gần với những người nhiễm Omicron từ 14 ngày xuống còn 6.

TIN LIÊN QUAN