Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp

(CL&CS) - Trước áp lực từ thị trường, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang đặt ra những áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp. Đây cũng là chủ đề nóng được đưa ra mổ xẻ, phân tích tại Diễn đàn Quốc tế về kinh doanh sáng tạo – IIBF 2024 vừa khai mạc sáng 12/6 tại TPHCM.

Các chuyên gia trao đổi về giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi kép

Diễn đàn IIBF 2024 có chủ đề “Ứng dụng công nghệ thực chiến để tăng cường nội lực và tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức với sự phối hợp thực hiện và điều phối của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC), CIO Việt Nam.

Công nghệ là yếu tố then chốt để cạnh tranh

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ khẳng định, trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo ra được sản phẩm, dịch vụ có đặc tính cạnh tranh hay vượt trội, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, bối cảnh cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây dẫn tới sự gia tăng của những biện pháp tăng cường bảo hộ, sự cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững. Đây là các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho doanh nghiệp, tạo áp lực lớn buộc doanh nghiệp phải thực hiện các giải pháp căn cơ, quyết liệt để vượt qua những thách thức cốt yếu về việc hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ theo hướng công nghệ xanh và bền vững.

Shashi Jagadiswaran, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Ernst & Young Việt Nam đánh giá, dù vẫn còn khoảng cách nhất định so với các quốc gia phát triển trong khu vực, đặc biệt là về ESG, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại sở hữu một tiềm năng tăng trưởng đầy ấn tượng so với các nền kinh tế phát triển khác.

Một nghiên cứu của Ernst & Young đã cho thấy, Việt Nam giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng thị trường đám mây ở khu vực Đông Nam Á. 84% tổ chức tại Việt Nam đang áp dụng chiến lược cloud-first (ưu tiên điện toán đám mây), nhưng chỉ 28% trong số đó đã lên kế hoạch triển khai cụ thể và 38% đang tiến hành triển khai chiến lược đám mây. Nghiên cứu này cũng cho thấy, 76% doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã xác định các yếu tố ESG trọng yếu; 60% doanh nghiệp tiết lộ không có cơ cấu quản trị chính thức về các vấn đề ESG; chỉ 29% doanh nghiệp thiết lập rõ ràng các mục tiêu và thước đo ESG.

Chuyển đổi xanh thông qua công nghệ số

Tại diễn đàn, ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam đưa ra khái niệm chuyển đổi kép – vừa chuyển đổi số, vừa chuyển đổi xanh do áp lực từ các thị trường xuất khẩu lớn.

Ông Trịnh cho biết, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Việt Nam cũng sở hữu 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế số của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Mayalisa (58%), Phillippines (16%) và Thái Lan (11%). Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các bằng sáng chế này để khai thác cho quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của mình, trong đó, thúc đẩy chuyển đổi xanh thông qua lựa chọn những công nghệ số.

Ông Trịnh cũng đưa ra dự báo của Deloitte về việc nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt giá trị 200 tỷ USD vào năm 2027, xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á.

Trong một khảo sát của Deloitte đối với doanh nghiệp tại 3 nền kinh tế số lớn tại khu vực Đông Nam Á, tất cả những người tham gia khảo sát đều cho biết trong vòng 3 năm qua, các khoản đầu tư vào phân tích dữ liệu đã giúp tổ chức của họ tiết kiệm chi phí và tăng trưởng doanh thu ở mức đáng kể. Đáng chú ý nhất, một phần ba (33%) số doanh nghiệp cho biết tổ chức tiết kiệm chi phí vận hành từ 10 đến 30% và tăng trưởng doanh thu đạt mức 10 đến 30%.

Trong khi đó, từ góc độ đơn vị cung cấp giải pháp, ông Doron Shachar, Nhà sáng lập và CEO Renova Cloud cho biết, dịch chuyển lên điện toán đám mây không hẳn sẽ ngay lập tức giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng trong tương lai sẽ giúp doanh nghiệp cung cấp thêm nhiều dịch vụ, nhiều giải pháp cũng như tăng tính bảo mật, tăng lợi ích pháp lý. Theo ông Doron Shachar, hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang bắt đầu tư các dự án nhỏ như sao lưu, bảo mật dữ liệu trên điện toán đám mây.

Ông Doron Shachar cũng nhấn mạnh, dù rất quan trọng và là xu hướng lớn, nhưng công nghệ sẽ không giải quyết được vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp nếu không kết nối với con người, tổ chức. “Doanh nghiệp cần hiểu rõ giá trị của mình, điều mà khách hàng của mình cần rồi mới tìm công nghệ phù hợp” – ông Doron Shachar khuyến nghị.

TIN LIÊN QUAN