Khung tài chính bền vững được xem như một hệ thống công cụ áp dụng trong hoạt động kinh doanh thực tiễn, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của Ngân hàng. Khung tài chính bền vững của ACB cũng đáp ứng được định hướng về tín dụng xanh từ Ngân hàng Nhà nước.
Khung tài chính bền vững là bộ khung dành cho hoạt động tín dụng được ACB hoàn thành theo các Nguyên tắc trái phiếu xanh và Nguyên tắc trái phiếu xã hội được thiết lập bởi Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) và các Nguyên tắc cho vay xanh/ xã hội được thiết lập bởi Hiệp hội Thị trường cho vay (LMA) cũng như phù hợp quy trình nội bộ của ngân hàng. ACB là một trong những ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam xây dựng và công bố Khung tài chính bền vững.
Việc ban hành Khung tài chính bền vững cho thấy mục tiêu trọng yếu của ACB trong chiến lược kinh doanh, phát triển các cơ hội mới trong lĩnh vực tài chính xanh mới nổi tại Việt Nam như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, công trình xanh…
Điều này sẽ giúp ACB và các doanh nghiệp, đối tác đóng góp và cân bằng giữa các yếu tố Kinh tế và Môi trường - Xã hội cũng như hạn chế được những rủi ro về môi trường và xã hội, cùng hướng tới tăng trưởng xanh của nền kinh tế.
Khung tài chính bền vững của ACB được xây dựng dựa trên bốn nguyên tắc cụ thể: (1) Mục đích sử dụng nguồn vốn; (2) Quy trình đánh giá và lựa chọn dự án bền vững để phân bổ tài trợ hoặc tái tài trợ; (3) Quản lý nguồn vốn huy động; và (4) Báo cáo, bao gồm báo cáo phân bổ và báo cáo tác động.
Tuân thủ các nguyên tắc quan trọng này sẽ giúp thiết lập các tiêu chuẩn cơ bản để ACB phát hành trái phiếu/khoản vay bền vững, đồng thời giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng thông qua các hoạt động tài chính có trách nhiệm và chính bền vững. Khung tài chính bền vững sẽ được thực hiện cùng với Chính sách đánh giá rủi ro Môi trường và Xã hội (E&S) của ACB.
Khung tài chính bền vững của ACB đã được Tổ chức Xếp hạng uy tín là Moody’s đưa ra ý kiến của Bên thứ hai (Second Party Opinion - SPO) về tính xác thực của các nguyên tắc của Khung, cũng như tác động của đến các vấn đề Môi trường và Xã hội. Bên cạnh đó, Moody’s cũng cho điểm về Chất lượng bền vững (Sustainability Quality Score - SQS) của ACB tổng quát ở mức SQS3 (Good) và nhận xét ACB có năng lực quản lý rủi ro Môi trường - Xã hội và Quản trị (ESG) mạnh mẽ.
Trong thời gian qua, dưới sự dẫn dắt của Ngân hàng Nhà nước, ACB tích cực đưa ra các hoạt động phù hợp với chương trình hành động của ngành ngân hàng theo chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Hơn nữa, những nỗ lực của ngân hàng phù hợp với 17 mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc, là minh chứng cho cách tiếp cận toàn diện và có nguyên tắc của ACB trong việc thúc đẩy sự phát triển lâu dài đồng thời bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.
Đầu năm 2024, ACB chủ động cung cấp gói tín dụng 2.000 tỷ đồng từ vốn của ngân hàng cho các doanh nghiệp thuộc danh mục Xanh/Xã hội nhằm mục đích tài trợ nhu cầu vốn kinh doanh đồng hành cùng doanh nghiệp tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 8/2024, ACB đã giải ngân 86% vốn của gói tín dụng Xanh/Xã hội. Ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc ACB, cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững. Về lâu dài, chúng tôi sẽ đẩy mạnh nguồn vốn xanh theo chiến lược ESG của ACB".
Trên hành trình tiên phong thực hiện phát triển bền vững theo các trụ cột ESG, ACB liên tục đưa ra các hoạt động thực chất nhằm theo đuổi tham vọng mô hình của ACB sẽ là nền tảng để khuyến khích các bên hữu quan thực hành ESG, nhân rộng mô hình này đến nhiều cá nhân và tổ chức tại Việt Nam hơn nữa. Vào ngày 2/8 vừa qua, ACB lần thứ 3 liên tiếp được xướng tên trong Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu Việt Nam - Top 50 Corporate Sustainability Awards (CSA), tại đồng thời 2 hạng mục Hoạt động CSR nổi bật (tiêu chí Xã hội - Social) và Quản trị Doanh Nghiệp xuất sắc (tiêu chí Quản trị - Governance).