Công bố Bộ Pháp điển Việt Nam: Tạo sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật

(CL&CS) - Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 và công bố Bộ Pháp điển Việt Nam - công cụ tra cứu pháp luật được xây dựng trong 10 năm.

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Hồ Quang Huy cho biết, đối với công tác hệ thống hoá VBQPPL kỳ 2019 – 2023, các văn bản được ban hành cơ bản đã tuân thủ về trình tự, thủ tục, thể thức ban hành văn bản; nội dung của các văn bản khi xây dựng được chú trọng để bảo đảm không trái với các quy định trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và phù hợp với điều kiện thực tế.

Nỗ lực xây dựng Bộ Pháp điển điện tử, là sản phẩm chính thức của Nhà nước, là công cụ tra cứu pháp luật một cách hệ thống, toàn diện và đầy đủ

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, bãi bỏ các VBQPPL đã không còn được áp dụng trên thực tế để bảo đảm tính minh bạch của hệ thống pháp luật.

Đối với công tác xây dựng Bộ pháp điển, sau 10 năm triển khai, thực hiện, đến nay đã có 265/271 đề mục được Chính phủ thông qua và đưa vào khai thác, sử dụng. Có thể nói, Bộ pháp điển cơ bản đã hoàn thành. Bộ pháp điển có cấu trúc hợp lý, khoa học và bảo đảm tính logic; việc thực hiện ghi chú, chỉ dẫn tương đối rõ ràng giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật được dễ dàng, thuận lợi. Bước đầu, Bộ pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Cho đến nay đã có gần 2 triệu lượt truy cập khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, trung bình mỗi một ngày có khoảng gần 5 nghìn lượt truy cập.

Việc xây dựng Bộ pháp điển đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như góp phần vào việc áp dụng và thi hành pháp luật được hiệu quả. Thông qua công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm "sạch" hơn 08 nghìn VBQPPL của Trung ương, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, sau chặng đường hơn 10 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng Bộ pháp điển điện tử, là sản phẩm chính thức của Nhà nước, là công cụ tra cứu pháp luật một cách hệ thống, toàn diện và đầy đủ.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ pháp điển có vai trò, ý nghĩa, giá trị thiết thực trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tra cứu của các quy định pháp luật; đồng thời, thông qua việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định pháp luật, Bộ pháp điển góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Bộ trưởng khẳng định, việc đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, nhiệm vụ này sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật.

Để công tác hệ thống hóa VBQPPL được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả và Bộ pháp điển Việt Nam ngày càng lan tỏa, phát huy được giá trị hữu ích trong thực tiễn, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm phối hợp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. 

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đẩy mạnh số hóa, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo đảm nguồn lực kinh phí phục vụ triển khai hiệu quả các công tác này; thường xuyên cập nhật, quản lý, duy trì kết hợp với truyền thông, giới thiệu và hướng dẫn để từng cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội khai thác, sử dụng hiệu quả Bộ Pháp điển. Quan tâm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, bảo đảm nguồn dữ liệu về văn bản pháp luật "đúng, đủ, sạch, sống" vận hành liên tục, ổn định.

Theo Bộ trưởng, điều này, không chỉ phục vụ việc tra cứu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo đảm thực hiện mục tiêu công khai, minh bạch hệ thống pháp luật, mà còn là cơ sở để triển khai hiệu quả các công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, trong xây dựng, hoàn thiện đến tổ chức thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật.

TIN LIÊN QUAN