SeABank là ngân hàng thứ 2 niêm yết cổ phiếu tại HOSE trong năm 2021. Hiện nay, HOSE đã có 16 ngân hàng niêm yết cổ phiếu tại đây.
Trong ngày đầu tiên giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), giá tham chiếu của SSB là 16.800 đồng/cổ phiếu. Giá tham chiếu này được xác định trước đó rất lâu, trong khi thời gian vừa qua, nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh và vượt đỉnh lịch sử mọi thời đại nên ở mức giá 16.800 đồng/cổ phiếu, SSB trở nên hấp dẫn.
Chính điều này, cổ phiếu SSB tăng trần 20% trong phiên chào sàn HOSE bất chấp ngày 24/3, VN-Index giảm mạnh, mất 1,83%. Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu SSB đạt 20.150 đồng/cổ phiếu với 6.007.500 cổ phiếu được khớp lệnh, trị giá 121 tỷ đồng và còn dư hàng triệu cổ phiếu đặt mua tại mức giá trần.
Qua 6 phiên giao dịch tại HOSE, cổ phiếu SSB đều tăng trần với mức tăng 68% so với giá tham chiếu trong ngày đầu tiên lên sàn. Ở mức giá 28.150 đồng/cổ phiếu của ngày 31/3, vốn hóa của SeABank đạt 31.850 tỷ đồng, tương đương 1,39 tỷ USD.
Năm 2020, SeABank đạt 1.729 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 24% so với năm 2019, hoàn thành 115% kế hoạch. SeABank cho biết nguyên nhân đến từ thu nhập lãi thuần, thu thuần dịch vụ, thu thuần từ kinh doanh ngoại tệ đều tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, SeABank đã kiểm soát tốt chi phí trong năm 2020 thông qua việc tiết giảm các chi phí hoạt động, đồng thời tiếp tục quản trị chặt chẽ và tận thu các khoản nợ quá hạn.
Tại thời điểm 31/12/2020, SeABank có 113.277 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng 18,3% so với đầu năm; 108.869 tỷ đồng cho vay khách hàng, tăng 10,4%; 180.207 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 14,5%.
Năm 2021, SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng tài sản 10%, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 15%, thu nhập ngoài lãi sẽ đạt mức tăng trưởng 50% và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 39,6% so với năm 2020.
Hiện nay, SeABank chưa có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, ngân hàng đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 0% vốn điều lệ thực hiện theo Nghị quyết số 303/2021/NQ-HĐQT ngày 18/3/2021.