Cổ phiếu ngân hàng chờ con sóng mới

(CL&CS) - Mặc dù đại dịch Covid-19 kéo dài nhưng ngành ngân hàng liên tục báo lãi khủng nhất từ trước đến nay, giúp cổ phiếu ngành này hưởng lợi lớn khi tất cả đều tăng giá.

Cổ phiếu tăng mạnh

Giai đoạn tháng 4/2020 - 6/2021 là thời kỳ vàng son của cổ phiếu ngân hàng khi hàng loạt mã tăng vài lần. Dẫn đầu thuộc về VIB tăng 633% từ 7.390 đồng/cổ phiếu lên 54.190 đồng/cổ phiếu; SHB tăng 609% từ 3.810 đồng/cổ phiếu lên 27.020 đồng/cổ phiếu; LPB tăng 606% từ 4.310 đồng/cổ phiếu lên 30.430 đồng/cổ phiếu; NVB tăng 393% từ 7.500 đồng/cổ phiếu lên 37.000 đồng/cổ phiếu, STB tăng 376% từ 7.120 đồng/cổ phiếu lên 33.900 đồng/cổ phiếu, VPB tăng 358% từ 8.900 đồng/cổ phiếu lên 40.750 đồng/cổ phiếu, TCB tăng 319% từ 14.000 đồng/cổ phiếu lên 58.600 đồng/cổ phiếu… giúp nhiều nhà đầu tư nắm bắt đúng xu hướng giàu lên nhanh chóng. Cổ phiếu ngân hàng tăng đến từ hai yếu tố: Lãi suất huy động liên tiếp giảm giúp thị trường chứng khoán hưởng lợi và lợi nhuận ngành ngân hàng lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử bất chấp dịch bệnh Covid-19 và nền kinh tế khó khăn.

Sau cơn sóng tăng giá khủng, cổ phiếu ngân hàng bắt đầu đảo chiều lao dốc từ tháng 7/2021 khi kỳ vọng tăng trưởng về lợi nhuận trong tương lai không còn nhiều nữa. Hầu hết đều giảm giá sau khi lập đỉnh, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô nhỏ, cổ phiếu đã giảm 20-50%. Tuy vậy, 2021 vẫn là một năm thắng lớn của cổ phiếu ngân hàng khi hầu hết các mã đều tăng trưởng và nhiều mã có mức tăng tốt như NVB, SSB, TPB, VIB, MSB, LPB... tăng trên 100%.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder FIDT, chia sẻ biên lãi ròng (NIM) trong quý 3/2021 của hầu hết các ngân hàng bị suy giảm sau quá trình lockdown kéo dài hơn 4 tháng của cả nền kinh tế do: Cầu tín dụng trong quý 3 thấp, dẫn đến các ngân hàng không thể đẩy mạnh tối đa việc cho vay; Các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh chịu áp lực giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch.

Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì mức cao so với đầu năm. Do đó, các ngân hàng vẫn tạo ra được tăng trưởng về thu nhập tín dụng - đóng góp phần lớn cho lợi nhuận của ngân hàng - và duy trì được tăng trưởng về tổng thu nhập hoạt động (TOI).

Nợ xấu gia tăng về con số tuyệt đối lẫn tương đối do nền kinh tế không có hoạt động tốt thì các cá thể, pháp nhân trong đó phát sinh những nghĩa vụ tài chính không tốt với ngân hàng và buộc phải trích lập dự phòng rủi ro. Bức tranh ngành ngân hàng chia hai thái cực, các ngân hàng tư nhân có trích lập nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức tốt, chỉ cao hơn cùng kỳ một chút và chậm hơn so với quý 2/2021. “Còn các ngân hàng có vốn Nhà nước trích lập dự phòng rủi ro rất thẳng tay bởi vì chịu áp lực trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà báo lãi nhiều thì có vấn đề. Đây là cái cớ, động cơ để họ trích lập một cách sâu sát nhất. Bức tranh nợ xấu ngân hàng ở quý 3 đã phản ánh quá trình lockdown kéo dài của nền kinh tế”, ông Huỳnh Minh Tuấn nhận định.

Thiếu kỳ vọng

Ông Huỳnh Minh Tuấn nhận định, bước sang năm 2022, nợ xấu bắt đầu giảm đi. Trong quá trình đi vay thì khả năng thanh toán, tính thanh khoản của một doanh nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến nợ xấu với các khung thanh toán 30, 90, 180, 360 ngày. Khi nền kinh tế hồi phục trở lại, có những công ty ở trạng thái "chết lâm sàng" kích hoạt lại đơn hàng, có những doanh nghiệp mất thanh khoản về tài sản nào đó thanh lý được sẽ khôi phục lại. 

Mặt khác, nợ xấu của năm 2021 không tới từ bản chất nội tại của hệ thống ngân hàng vì đã trải qua một quá trình cơ cấu làm sạch bản cân đối kế toán, tăng cường về kiểm soát nợ xấu và quản trị từ giai đoạn 10 năm trước (từ năm 2011 cho tới bây giờ). Điều này giúp nội lực hệ thống ngân hàng tăng lên rất nhiều, tăng về vốn chủ, tăng về quản trị, tổng thu nhập hoạt động với tỷ trọng cho vay, biên lãi ròng giảm dần còn hoạt động dịch vụ đang tăng lên... Nên khi nền kinh tế khôi phục trở lại thì nợ xấu sẽ giảm, bức tranh nợ xấu của năm 2022 sẽ tươi sáng hơn rất nhiều so nửa cuối năm 2021.

“Đến giai đoạn hiện tại, lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ và các hoạt động còn lại đã được nhiều ngân hàng tận dụng gần như tương đối cao, khó có khả năng tăng trưởng mạnh. Muốn tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động thì phải đến từ hoạt động tín dụng. Trong hoạt động tín dụng, muốn lợi nhuận tăng trưởng được thì có 2 thứ: Tăng trưởng về tín dụng, tăng trưởng về biên lãi ròng. Từ 2019 đến nay, lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng mạnh và biên lãi ròng ở mức cao nhờ lãi suất huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Hiện tại, lãi suất huy động ở mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây và đang có xu hướng đi lên, do đó câu chuyện tăng biên lãi ròng là rất khó nên trong thời gian tới tổng thu nhập hoạt động chỉ còn kỳ vọng vào tăng trưởng tín dụng”, ông Trần Ngọc Báu, Founder WiGroup chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Báu cho rằng, hoạt động tín dụng khó tăng mạnh mẽ được nên lợi nhuận có thể vẫn tăng nhưng tỷ lệ tăng trưởng không bằng các năm trước. Thị trường chứng khoán là sự kỳ vọng, không cần lợi nhuận giảm, chỉ cần lợi nhuận không tăng nữa thì nhà đầu tư đã thoát khỏi nó rồi. Trong năm 2022, cổ phiếu ngân hàng sẽ có một sóng ngắn chứ không thể là sóng dài như giai đoạn 4/2020-6/2021.

Còn Th.S Tài chính Lục Văn Cường nhận định, nếu mua cổ phiếu ngân hàng ở mức giá hiện tại và nắm giữ 10 năm thì tỷ suất sinh lợi chỉ ngang với VN-Index.

5 tiêu chí để mua cổ phiếu vua

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc đầu tư cổ phiếu vua, Th.S Tài chính Lục Văn Cường đã chia sẻ 5 tiêu chí để mua. Đó là: Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), chi phí huy động vốn (COF), chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động (CIR), nợ xấu và giá mua.

Đối với ngân hàng hay bất kỳ doanh nghiệp nào, ROE là nhân tố quan trọng nhất trong việc tạo ra sự giàu có cho cổ đông qua quá trình đầu tư dài hạn, ROE đạt 20% chắc chắn tốt hơn ROE chỉ 10%. Tuy nhiên trong ngắn hạn, mua một cổ phiếu ngân hàng có ROE thấp nhưng chỉ số giá/giá trị sổ sách (P/B) = 0,5 có thể kiếm lãi tốt nếu cổ phiếu được định giá lại ở mức P/B = 1 nhờ thị hiếu của thị trường thay đổi hoặc sự cải thiện ngắn hạn của ngành ngân hàng. Trong giai đoạn 10-15 năm hoặc lâu hơn, một ngân hàng có ROE trên 20% nhưng P/B = 2 sẽ luôn tốt hơn ngân hàng có P/B = 0,5 nhưng ROE chỉ 10%.

Điều quan trọng là đánh giá ROE có duy trì ở mức cao trong dài hạn hay không? Đối với ngành ngân hàng, tiền là nguyên vật liệu thô trong hoạt động kinh doanh nên ngân hàng nào có COF thấp sẽ có rất nhiều lợi thế. Trong năm 2020, Vietcombank có COF thấp nhất nhì trong ngành chỉ 2,85% nên khi cho vay ở mức 5,64% - chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với COF của nhiều ngân hàng thương mại khác. Phần lớn nguồn vốn rẻ đến từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã cho phép Vietcombank có lợi thế trong thị trường cho vay và kiếm được tỷ suất sinh lợi trên trung bình từ tài sản được sử dụng mà không phải tham gia vào những hoạt động khác có tính rủi ro cao.

Bên cạnh COF thấp, ngân hàng cũng phải kiểm soát tốt chi phí hoạt động. Một thang đo giúp đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng là CIR. Năm 2020, Vietcombank có CIR ở mức 33% thấp hơn nhiều so với nhiều ngân hàng khác.

Ngân hàng là ngành đặc thù cho phép sử dụng đòn bẩy lớn. Tài sản của ngân hàng thường gấp nhiều lần vốn cổ phần với tỷ lệ phổ biến 10 - 15 lần. Khi tài sản gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, một sai lầm liên quan đến một phần nhỏ tài sản có thể phá hủy phần lớn vốn cổ phần nên ngân hàng nào quản lý tốt sẽ là lựa chọn sáng suốt để đầu tư dài hạn. Yếu tố quan trọng cần theo dõi chính là tiêu chuẩn cho vay, dự phòng rủi ro tín dụng trong quá khứ. Hiện nay, Vietcombank có tiêu chuẩn cho vay thuộc nhóm khó nhất trong ngành và tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trong nhiều năm qua cũng tương đối thấp.

Một ngân hàng tốt sẽ có ROE cao, COF thấp, CIR thấp, nợ xấu thấp nhưng phải đi kèm với giá mua thấp mới là khoản đầu tư tốt. Năm 2011, Mizuho chi 567,3 triệu USD mua 15% cổ phần của Vietcombank ở mức giá P/B = 2,3 và khoản đầu tư này trị giá 2,1 tỷ USD trong thời điểm hiện tại, tương đương với mức lãi kép bình quân khoảng 14%/năm. Từ ví dụ điển hình Vietcombank có thể hiểu được tại sao cổ phiếu ngân hàng không hấp dẫn trong thời gian gần đây khi tỷ lệ P/E, P/B của ngành ngân hàng ở mức hợp lý với P/E trung vị đạt 12 và P/B trung vị đạt 1,81. Bên cạnh đó, nỗi sợ nợ xấu tăng cao, nền kinh tế suy yếu do đại dịch cũng góp phần làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng.

TIN LIÊN QUAN