Sự tăng, giảm cổ phiếu HBC nói riêng và cổ phiếu ngành xây dựng nói chung phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường bất động sản. Từ khi cổ phiếu HBC lên sàn đến nay đã có nhiều chu kỳ tăng, giảm giá mạnh.
Giai đoạn 2007 - 2008, cổ phiếu HBC từng giảm đến 88,9% từ đỉnh đến đáy. Giai đoạn 2008 - 2010, cổ phiếu HBC tăng 313,6% từ đáy đến đỉnh. Giai đoạn 2010 - 2011, cổ phiếu HBC giảm 51,9%. Giai đoạn 2011 - 2017, cổ phiếu HBC tăng 2.247%. Giai đoạn 2017 - 2020, cổ phiếu HBC giảm 85,3%. Giai đoạn 2020 - 10/1/2022, cổ phiếu HBC tăng 535,1%. Giai đoạn 10/1/2020 - 20/6/2022, cổ phiếu HBC giảm 56,6%.
Như vậy, từ khi cổ phiếu HBC lên sàn đến nay tăng giá hơn 356% và đã trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi với những cung bậc cảm xúc khác nhau, đặc biệt là hai lần giảm giá hơn 85% và không ít lần giảm hơn nửa giá trị.
Giai đoạn vừa qua, rất nhiều cổ phiếu đã “bốc hơi” 50-60% thậm chí 80% nên HBC không tránh khỏi sự giảm giá chung của thị trường.
Nhằm bình ổn giá cổ phiếu HBC trên thị trường, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HBC từ 23/6 – 22/7. Đóng cửa ngày 22/6, HBC đạt 17.200 đồng/cổ phiếu, ông Lê Viết Hải cần chi hơn 172 tỷ đồng để thực hiện giao dịch này.
Nếu giao dịch trên thành công, ông Lê Viết Hải sẽ sở hữu 48.913.740 cổ phiếu HBC, tỷ lệ 19,91%. Bên cạnh đó là người có liên quan của ông Lê Viết Hải đang sở hữu 4,36%.
Trong danh sách cổ đông lớn hiện nay, bên cạnh ông Lê Viết Hải là Hyundai Elevator Co., Ltd. đang nắm giữ 10,18%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6, vốn hóa của Hòa Bình đạt 4.225 tỷ đồng, vượt qua đối thủ lớn trong ngành là CTCP Xây dựng Coteccons với vốn hóa 3.782 tỷ đồng. Tương tự như HBC, cổ phiếu CTD của Coteccons đã giảm 56,4% kể từ đỉnh được thiết lập trong năm nay. Nhìn xa hơn, từ đỉnh cao nhất lịch sử vào cuối năm 2017, cổ phiếu CTD giảm 76,8% còn HBC giảm 54,5%.