Chuỗi ngày huy hoàng của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã dừng lại vào khoảng tháng 1/2022. Trước đó, những nhà đầu tư chứng khoán may mắn ôm cổ phiếu ngân hàng từ khi Covid-19 xảy ra đến đỉnh sẽ x3 tài khoản. Cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân Đội (MB) cũng không phải là ngoại lệ.
MBB tăng giá miệt mài đẩy cổ phiếu từ vùng 10.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh) lên khoảng 33.000 đồng hồi tháng 6/2021 rồi có chuỗi ngày giảm giá khá sâu, đi ngang quanh vùng 28.000 đồng/cổ phiếu trong suốt 5-6 tháng.
Cổ phiếu MBB vừa hồi phục hồi tháng 1-2/2022 thì đã bị đổ đèo sâu, xác lập mô hình "cây thông" theo chu kỳ 3 tháng. Tức, những nhà đầu tư nếu mới gần đây tin tưởng vào tương lai của MBB mà mua đuổi cổ phiếu trong chu kỳ hồi phục đầu năm nay thì đã thua lỗ nặng nề. Hiện tại, cổ phiếu MBB đã hồi phục nhẹ cùng với đà hồi phục chung của thị trường chứng khoán nhưng nhà đầu tư vẫn rất lo lắng cho tương lai của cổ phiếu này khi mà chu kỳ "sell in may" đang đến và MBB lại chuẩn bị phải gánh trên vai nhiệm vụ khiến cổ đông...không vui: Nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém.
Biến động giá cổ phiếu MBB từ 2020 đến nay
Thông tin phải nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng thuộc diện yếu kém đã khiến "sức nóng" tại Đại hội cổ đông năm nay nóng hơn bao giờ hết. Mặc dù trong giai đoạn Covid-19 nhưng phòng họp của MBB lên đến hàng nghìn cổ đông. Đại hội cổ đông năm nay, nhà đầu tư của MBB không quan tâm nhiều đến con số doanh thu, lợi nhuận mà tập trung "chất vấn" lãnh đạo Ngân hàng Quân đội vì sao phải nhận chuyển nhượng trong khi hệ hống MB đang tốt? Ban chủ tọa đề nghị mỗi cổ đông chỉ hỏi 1-2 câu, nhưng nhiều người vẫn hỏi tới 5-6 câu chỉ xoay quanh chủ đề này.
"Tại sao MB lại nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém? Không phải ngân hàng hiện tại đang quá tốt rồi sao?", một cổ đông tuổi trung niên nêu ý kiến. Ông cho rằng, việc "ôm" thêm một ngân hàng trong diện tái cơ cấu chỉ làm MB chậm lại, trong khi ngân hàng đang duy trì đà tăng trưởng tốt.
Trả lời cổ đông, CEO MB Lưu Trung Thái trấn an cổ đông rằng MB không phải bỏ tiền khi nhận chuyển giao bởi đây là đơn vị yếu kém trong diện tái cơ cấu, đã bị mua lại 0 đồng. Tuy nhiên, ông Thái không công bố danh tính của ngân hàng mà MB phải "ôm" càng khiến nhà đầu tư sốt ruột. Ông Thái cho biết, ngân hàng MBB phải "ôm" để tái cơ cấu 1 NH có lỗ lũy kế khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 47%.
Theo các thông tin trước đây, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Đầu tháng 2 năm nay, Thủ tướng cũng giục triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại cho hai ngân hàng yếu kém còn lại.
Tuy không đưa rõ kế hoạch liên quan đến nhận chuyển giao, xử lý hậu nhận chuyển giao nhưng CEO MB Lưu Trung Thái nói với cổ đông rằng trong trường hợp rủi ro, việc tái cấu trúc không thành công, MB có thể bán phần vốn tại nhà băng nhận chuyển giao như việc thoái một khoản đầu tư, có thể IPO để chuyển thành ngân hàng cổ phần hoặc bán đi hoàn toàn,
Để xử lý khoản lỗ lũy kế 20.000 tỷ đồng, ông Thái cho biết biện pháp quan trọng nhất là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, khi MB nhận chuyển giao sẽ được vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu, được phép tăng trưởng quy mô cao hơn, hỗ trợ ngân hàng nhận chuyển giao bằng việc chuyển một số khoản tín dụng chất lượng tốt.
Đáng chú ý là, ông Lưu Trung Thái cho biết MB sẽ mất khoảng 7-8 năm để giải quyết dứt điểm số lỗ lũy kế. Nhưng, HĐQT MB cũng "không quên" trình cổ đông thông qua việc miễn trách nhiệm với các đơn vị, cá nhân tham gia nhiệm vụ liên quan đến nhận chuyển giao bắt buộc và xây dựng, triển khai phương án thực hiện.