Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ, đất nước Việt Nam ngày càng phát triển đi lên, sánh vai với các cường quốc năm châu. Thế nhưng, nỗi đau của những người mất đi người thân trong các cuộc chiến tranh khốc liệt vẫn luôn "đeo bám". Câu chuyện về người phụ nữ tên Kiều Thị Nông và gia đình có 3 Mẹ Việt Nam anh hùng vẫn khiến nhiều người nghẹn ngào khi tìm hiểu.
Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông đã ngót nghét 90 tuổi, mái tóc nay đã bạc phơ nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Dường như trong trí nhớ của bà, những ký ức về năm tháng kháng chiến khốc liệt, cướp đi nhiều người thân vẫn luôn in hằn. Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông sống tại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP. HCM trở thành tâm điểm của những câu chuyện cảm động, lấy đi nước mắt của nhiều người.
Gia đình có 3 Mẹ Việt Nam anh hùng, khắc sâu nỗi đau mất chồng, mất con...
Chia sẻ đầy xúc động của Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông khiến ai nấy đều phải ngậm ngùi. Khi hồi tưởng lại những ngày khó khăn nhất trong đời, bà chia sẻ gia đình mình có tới 3 Mẹ Việt Nam anh hùng. Chỉ trong 4 năm chiến tranh ngắn ngủi, bà Nông đã lần lượt chứng kiến sự ra đi của 4 người thân ruột thịt trong gia đình. Bà mất đi người cha, người mẹ của mình vào năm 1968, mất chồng là ông Nguyễn Văn Lèo cũng đã hy sinh năm 1966, em trai mất năm 1967. Tới năm 1969, bà Nông lại "tiễn đưa" người con gái ruột của mình là liệt sĩ Nguyễn Thị Nắng, với 1 trái tim đầy nỗi đau không thể kìm nén nổi.
Những người thân yêu nhất trong gia đình đều hy sinh ở nơi chiến trường khốc liệt, gia đình bà Kiều Thị Nông có tới 3 Mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là mẹ chồng của bà Nông (cụ Nguyễn Thị Ớt), mẹ ruột của bà (cụ Lê Thị Tý) và bản thân bà. Tới hiện tại, chỉ còn Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông còn sống.
Sinh ra ở vùng đất kháng chiến, gia đình bà Nông từ lâu đã dành trọn vẹn tâm can cho cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi bà Nông sống là vùng tranh chấp giữa bộ đội và chính quyền Việt Nam cộng hòa. Bởi vậy, những con người nơi đây sẵn sàng đứng lên chống giặc, cứu nước, góp công sức của mình vào lý tưởng chung của đất nước.
Chia sẻ với báo Dân Trí, Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông kể rằng chồng mình (ông Nguyễn Văn Lèo) là cán bộ tiếp liệu của Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Ông phục vụ cho nhà in đồng thời biến nhà mình thành cơ sở bí mật hỗ trợ cho Ban tiếp liệu. Ông bất ngờ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, trong 1 trận càn của địch khi chúng bắn pháo tới tấp vào căn cứ nhà in.
Nỗi đau chưa vơi, Mẹ Việt Nam anh hùng lại tiếp tục chứng kiến em trai ra đi trong 1 trận càn của địch. Em trai của bà Nông là chiến sĩ hậu cần của quân khu Sài Gòn - Gia Định Kiều Văn Niêu mãi mãi không trở về vì làm nhiệm vụ, khắc sâu nỗi đau, nỗi mất mát của Mẹ Việt Nam anh hùng.
Cả bố và mẹ của bà Nông cũng là người "dốc lòng" cho cách mạng, thường xuyên bị địch tập kích. Trong năm Mậu Thân (1968), cả 2 cụ đều ra đi, để lại con gái với nỗi cô đơn, trống vắng. Nỗi đau như tăng lên gấp bội, đè nặng đôi vai của người phụ nữ tần tảo khi nghe tin cô con gái ruột của mình cũng hy sinh. Từ khi còn rất nhỏ, liệt sĩ Nguyễn Thị Nắng đã tình nguyện làm giao liên, trinh sát, tiếp bước truyền thống cách mạng của gia đình. Ngày 14/1/1969, liệt sĩ Nguyễn Thị Nắng bị mai phục, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cao cả. Lúc ấy, nữ liệt sĩ mới chưa đầy 15 tuổi.
Nén nỗi đau vào trong để chăm lo cho con, cho cháu
Trải qua nhiều cú sốc mất người thân trong gia đình, những tưởng Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông sẽ không thể vực dậy. Thế nhưng, bà bản lĩnh và mạnh mẽ tới mức nén nỗi đau, nước mắt vào trong để tiếp tục chăm lo cho các con, các cháu. Ngày gia đình mới mất đi 4 mảnh ghép, người phụ nữ này vừa hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao, vừa phải lao động, kiếm tiền nuôi những thành viên khác trong gia đình. Khi chồng biến nhà mình thành nơi hỗ trợ, tiếp tế cho Ban tiếp liệu nhà in, bà Nông cũng cùng chồng phụ trách cơ sở này. Không chỉ vậy, bà còn là người thu nhận xác những liệt sĩ hy sinh trong các trận đánh ở địa phương. Bà cũng là người tham gia đội an ninh địa phương, thu mua lúa gạo cho chính quyền vùng bộ đội chiếm lĩnh...
Nghĩ lại những tháng ngày khó khăn, Mẹ Việt Nam anh hùng U90 vẫn luôn tự hào vì trải qua bao gian nan, vất vả, bế tắc vẫn không chịu đầu hàng trước số phận. Ngẫm lại cuộc đời mình, người phụ nữ ấy vẫn không than thở 1 lời nào hay cảm thấy mình là người bất hạnh. Ngược lại, bà luôn giữ thái độ sống tích cực, nhìn về tương lai để bước tiếp.
Hiện tại, mong ước lớn nhất của Mẹ Việt Nam anh hùng vĩ đại này là con cháu có thể sống hạnh phúc và khỏe mạnh. Trải qua quá nhiều biến cố và mất mát, những thành viên còn lại trong gia đình giống như tài sản vô giá mà bà Nông có được.
Trong gian nhà nhỏ từ ngày xưa, Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông sống trong những ký ức đau thương nhưng đáng tự hào nhất. Khắp 4 bức tường trong nhà, hình ảnh những huân huy chương, giấy chứng nhận Mẹ Việt Nam anh hùng, bằng Tổ quốc ghi công... đều được treo ngay ngắn, cẩn thận. Trong căn nhà ấy còn chứa nhiều kỷ vật đặc biệt, di ảnh, thành tích chiến đấu của từng liệt sĩ đã hy sinh vì dân tộc. Hơn 50 năm nay, Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông vẫn gìn giữ những kỷ vật ấy như "kho báu" trong nhà.
Chiến tranh đã qua đi, nỗi đau và mất mát trong cảm nhận của bà Nông vẫn còn in hằn. Thế nhưng hiện tại, bà hạnh phúc vì có con cháu sum vầy, thường xuyên về thăm. Bà cũng nhận được nhiều sự động viên từ chính quyền địa phương, nhiều đoàn thể, tổ chức quan tâm, yêu mến. Vì vậy, cuộc sống của Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông không còn cô quạnh mà luôn có sự sẻ chia và đồng cảm.