Đây là kiến nghị của các chuyên gia tại Hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương CIEM.
Báo cáo “Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”
Báo cáo thống kê từ các nguồn về cơ cấu tỷ lệ sở hữu của các ngân hàng thương mại tại thời điểm tháng 4/2021, trong đó cho thấy một số ngân hàng đã có tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chạm trần 30% hoặc gần chạm trần 30%, và còn nhiều ngân hàng khác có tỷ lệ thấp hơn mức trần 30%.
Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia đã cân nhắc việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại.
Kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy, cần cân nhắc thêm các biện pháp khác để điều tiết và giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại, thay vì chú trọng quá mức vào giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại.
Theo kiến nghị của CIEM, Việt Nam cần cân nhắc một cách tiếp cận mở hơn trong điều tiết ngành ngân hàng, trong đó có tiếp cận mở đối với giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại.
Nói về kiến nghị và báo cáo này, TS.Nguyễn Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM cho biết, việc mạnh dạn nghiên cứu khả năng điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng mang lại thêm hi vọng cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài, đi kèm với các bí quyết quản trị, công nghệ.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng thấy rằng trong bối cảnh hiện nay, việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết.
Các tổ chức tín dụng đang có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài, đặc biệt là theo nhu cầu tăng vốn để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng rất lớn.
Việc khống chế room cho nhà đầu tư ngoại ở mức 30% cũng ảnh hưởng đến cơ hội mua – bán sáp nhập ở Việt Nam và khiến thị trường này kém phát triển còn các ngân hàng lỡ cơ hội phát triển do không đủ nguồn vốn trong khi nguồn vốn nước ngoài là một kênh vốn lớn.
Ông Hùng cho biết: tính đến 30/6/2021 có 19 tổ chức tín dụng có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó ngân hàng thương mại nhà nước có 03/04 ngân hàng và ngân hàng thương mại cổ phần là 16/28 ngân hàng; 11 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 15% trong đó có 5 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo của CIEM, việc nới room ngoại có thể mang lại nhiều lợi ích.
Thứ nhất, là tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II cho các ngân hàng thương mại Việt Nam;
Thứ hai là hỗ trợ thực hiện hiệu quả các cam kết về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại trong các FTA, đặc biệt là EVFTA (về việc cân nhắc tích cực đề xuất của các định chế tài chính EU về việc nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ tại hai thương mại cổ phần trong nước trong vòng 05 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, trừ Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank);
Thứ ba là tăng khả năng thu hút đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược;
Thứ tư, nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài một cách hợp lý cũng tránh được rủi ro nhà đầu tư nước ngoài chi phối hoạt động của ngân hàng thương mại.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng như TS.Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV) và TS.Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) cũng đồng thuận về sự cần thiết nới room cho nhà đầu tư ngoại.
Theo TS. Võ Trí Thành, việc nới room cổ phần tại NHTM cho nhà đầu tư nước ngoài có thể theo hướng mở, nhưng tính đến đầy đủ tác động đối với cạnh tranh trên thị trường ngân hàng, năng lực cạnh tranh của các NHTM (về năng lực quản trị, sản phẩm, đáp ứng thông lệ quốc tế, sáng tạo tài chính,…), hội nhập tài chính và vươn ra quốc tế, và khả năng ứng xử hiệu quả, an toàn trước các cú sốc đối với cán cân thanh toán.
CIEM kiến nghị cần nghiên cứu chi tiết hơn về lợi ích tiềm năng của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, gắn với các kịch bản điều chỉnh cụ thể.
Và cần cân nhắc cập nhật chiến lược phát triển ngành ngân hàng, trong đó có cân nhắc cập nhật quan điểm về mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Kiến nghị nữa của CIEM là cần cân nhắc cải thiện khung pháp lý theo hướng hiện đại và mở, nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Việt Nam cần cân nhắc khả năng nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại trong các đề xuất (nếu có) về phát triển trung tâm tài chính quốc tế, Fintech, v.v.