Đó là nội dung chia sẻ của các chuyên gia đối với doanh nghiệp tại Hội thảo “Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua chuyển đổi kép” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Hội Doanh nghiệp Cơ khí- Điện TPHCM (HAMEE) tổ chức ngày 27/6.
Theo các chuyên gia, hiện nay, xu hướng chuyển đổi kép trên thế giới tập trung vào 3 trụ cột chính bao gồm: tăng cường năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; và giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ là chiến lược đột phá trong quy trình sản xuất - kinh doanh. Bằng cách áp dụng các giá trị bền vững và tận dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể xây dựng một nền tảng vững mạnh và đạt được lợi thế cạnh tranh.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM cho biết, trong thời gian qua, tác động của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới. Điều này đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững.
Cùng với xu thế phát triển đó, việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là “Chuyển đổi kép”, không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Hiện nay, “Chuyển đổi kép” đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đó là việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình doanh nghiệp.
Việc áp dụng chuyển đổi không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới bảo vệ môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Song song đó, đối với nền kinh tế vĩ mô, việc áp dung chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển đôthị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, TPHCM luôn coi trọng và dành nhiều sự đầu tư cho các giải pháp chuyển đổi kép toàn diện ở các lĩnh vực thông qua triển khai các hoạt động, chính sách và chiến lược đổi mới nhằm nâng cao nhận thức, đào tạo tư vấn các công cụ hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
“Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan, tổ chức các chương trình hội thảo chuyên đề, các lớp tập huấn về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố phát triển sản xuất nhanh chóng và hiệu quả”, ông Trần Phú Lữ nhấn mạnh.