Thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Chiều 7/10, tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, đồng thời phản ánh những lo lắng của cử tri và người dân về tình trạng thiếu thuốc, vắc xin và vật tư y tế tại một số cơ sở y tế công lập. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do vướng mắc trong quy trình đấu thầu, mua sắm.
Ban Dân nguyện đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm kiểm tra và giải quyết các khó khăn liên quan đến việc thiếu thuốc, vắc xin và vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ông Dương Thanh Bình cho biết, Bộ Y tế đã chậm trễ trong việc ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024, khiến các địa phương không thể triển khai kịp thời.
Ông Bình cũng dẫn lại các báo cáo từ nhiều địa phương, trong đó cho biết tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã bắt đầu từ cuối năm 2022 và đến tháng 9 vừa qua, vẫn chưa được khắc phục.
Ban Dân nguyện từ đó kiến nghị Bộ Y tế cần có giải pháp cung ứng đầy đủ và kịp thời vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, đồng thời đề nghị xem xét trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để xảy ra tình trạng thiếu vắc xin kéo dài.
Vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, phương tiện khám chữa bệnh cũng được Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề cập trong dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, dự kiến sẽ gửi tới kỳ họp thứ 8, khai mạc vào ngày 21/10 tới.
Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tình trạng thiếu vắc xin và vật tư y tế là phản ánh từ nhiều tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, An Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận, Long An, Quảng Bình, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Ninh, Sơn La, Bắc Ninh, Bình Phước, cùng với ý kiến từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và một số ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trong phần giải trình, cho biết tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn là vấn đề chung của toàn thế giới.
Bà Hương cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tiêm chủng cho trẻ em đã bị gián đoạn. Từ năm 2020 đến năm 2023, rất nhiều trẻ em không được tiêm vắc xin theo chương trình tiêm chủng thường xuyên tại hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Trả lời về ý kiến cho rằng Bộ Y tế đã chậm trễ trong việc ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024, bà Hương giải thích rằng nhu cầu vắc xin được tổng hợp từ các địa phương, không phải do Bộ tự mình tính toán. "Chúng tôi đã có 3 văn bản nhắc nhở, nhưng nhiều địa phương phải đôn đốc nhiều lần mới gửi báo cáo. Thậm chí, đến tháng 6, vẫn có nơi gửi văn bản mà chưa có chữ ký của lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở."
Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế, bà Hương cho rằng có nhiều nguyên nhân. Một số đơn vị đã mua hết số thuốc trúng thầu, trong khi một số khác lại có thói quen chỉ sử dụng thuốc có tên thương mại trúng thầu từ năm trước, không muốn dùng thuốc có cùng hoạt chất nhưng có tên thương mại mới trúng thầu năm sau. Điều này đã gây ra tình trạng thiếu thuốc "ảo". Hệ quả là nhân viên y tế phải giải thích cho bệnh nhân về việc thay đổi khi kê đơn.
Ngoài ra, các yếu tố khác như quá trình đấu thầu, sự thay đổi mô hình bệnh tật, và sự phát triển của các kỹ thuật mới dẫn đến dự trù không sát với thực tế, cũng là nguyên nhân khiến một số bệnh hiếm gặp chưa được kịp thời mua sắm trang thiết bị.
Bà Hương cũng nêu rõ, một số cơ sở chưa chủ động trong việc lập kế hoạch mua sắm, và tồn tại tâm lý e ngại trong đấu thầu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định rằng thời gian qua, Bộ đã rất khẩn trương và tập trung giải quyết, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế. Trong đó, các văn bản tháo gỡ khó khăn đã được trình lên Quốc hội và Chính phủ.
Bệnh nặng cần mổ gấp nhưng có khi phải đặt lịch 6 - 7 tháng
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp hữu hiệu, tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài mà không được giải quyết.
Bà đề nghị Bộ Y tế và Chính phủ cần có những biện pháp tháo gỡ kịp thời, nhằm tránh tình trạng thiếu hụt thuốc và vắc xin cho các hoạt động khám chữa bệnh, bởi điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
"Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng, cần điều trị hoặc phẫu thuật sớm, nhưng vì thiếu thuốc và vật tư nên phải chờ đợi đến 6 - 7 tháng. Khi đó, cơ hội để họ được chữa trị và cứu sống trở nên rất mong manh", bà Thanh chia sẻ.
Bà cũng đề xuất ngành y tế cần kiểm tra, đánh giá tình hình và gắn trách nhiệm cụ thể với các địa phương. Qua đó, có thể công khai những địa phương làm tốt và những địa phương còn nhiều bất cập.
"Chúng tôi được biết, có rất nhiều vấn đề xoay quanh việc thiếu thuốc, vắc xin, sinh phẩm và thiết bị y tế tiêu hao. Điều này dẫn đến tình trạng giá cả chênh lệch lớn, cùng một loại sinh phẩm nhưng giá ở Hà Nội khác, ở địa phương khác, thậm chí chênh nhau từ 5 - 7 lần", bà Thanh phản ánh.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ví dụ về việc hiện nay, một máy chạy thận chỉ được quy định chạy 3 ca mỗi ngày, nhưng do thiếu máy, có nơi phải chạy đến 4 ca. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra các lỗi kỹ thuật và chuyên môn, giống như vụ việc tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình trước đây.
"Tình trạng không có máy, máy hỏng, nhưng không mua được là rất phổ biến. Chúng tôi thấy Bộ Y tế rất nỗ lực nhưng tình trạng này cải thiện không được nhiều", bà Thanh nói, đồng thời đề nghị các địa phương cũng phải vào cuộc, chứ một mình Bộ Y tế thì làm không xuể.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải khẳng định rằng tình trạng thiếu trang thiết bị và vật tư y tế là "có thật", nguyên nhân chính là do vướng mắc trong quá trình đấu thầu mua sắm.
"Không chỉ thiếu máy chạy thận, mà còn thiếu cả bông, băng, gạc, kim tiêm, ống truyền… Bệnh nhân khi vào viện thường phải tự mua những vật tư này từ các cơ sở y tế gần đó, hoặc từ các cửa hàng ngay cổng bệnh viện để thực hiện những thủ thuật đơn giản", bà Hải nói. Bà cũng yêu cầu Bộ Y tế phải làm rõ các vướng mắc trong việc đấu thầu và lý do tại sao không thực hiện được.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Y tế cần quyết liệt hơn trong việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, cũng như sự chậm trễ trong cung cấp vắc xin tiêm chủng. "Có những bệnh viện làm tốt, nhưng cũng có những bệnh viện viện cớ không đấu thầu được, không mua được, thiếu đủ thứ để không hoàn thành nhiệm vụ", ông Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra rằng công tác lập kế hoạch vắc xin và tuyên truyền về tiêm chủng phòng ngừa vẫn chưa thực sự hiệu quả. "Tại sao các đơn vị tư nhân có thể nhập vắc xin về và tiêm được, trong khi hệ thống nhà nước lại không làm được? Ngành y tế cần quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và chuyển viện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các thủ tục hành chính", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.