Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh và đặt nền móng cho Báo chí Cách mạng Việt Nam

(CL&CS) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất, một danh nhân văn hóa thế giới mà còn là một nhà báo vĩ đại, người sáng lập những tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Bác Hồ luôn coi báo chí là phương tiện hiệu quả để vận động, tập hợp lực lượng, tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả.

Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Tư liệu)

Người khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam

Ngay từ những ngày đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã sớm tham gia các hoạt động báo chí. Khi hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia sáng lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) để tạo một kênh thông tin, lên tiếng tố cáo bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc sống “cùng khổ” của người dân Việt Nam; từ đó lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh “tự giải phóng”

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Cơ quan ngôn luận của Hội là tờ Thanh Niên, xuất bản số đầu ngày 21-6-1925. Đây là tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Người sáng lập, chỉ đạo. Tháng 12-1926, Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo ra báo Công nông, tờ báo của giai cấp công nhân, nông dân Việt Nam. Tháng 2-1927, Người sáng lập báo Lính kách mệnh.

Những tờ báo công khai và bí mật do Nguyễn Ái Quốc thành lập thời kỳ này tập trung tuyên truyền lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự ra đời một Đảng Cộng sản kiểu mới có đủ khả năng, bản lĩnh để tập hợp lực lượng cách mạng, đánh đổ chế độ thực dân - phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc...

Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tạp chí Đỏ (số đầu tiên ra ngày 5-8-1930), đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác viên thân thiết của các tờ Búa liềm, Tranh đấu... với nhiều bút danh khác nhau. Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chỉ đạo tổ chức Hội nghị Trung ương 8, thành lập Mặt trận Việt Minh và sáng lập tờ Việt Nam Độc lập (số đầu tiên xuất bản ngày 1-8-1941). Năm 1942, Người chỉ đạo thành lập báo Cứu Quốc.

Sau khi Tổng khởi nghĩa thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nguyễn Ái Quốc - lúc này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã ký chỉ thị thành lập Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 7-9-1945, thành lập Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 15-9-1945, báo Sự Thật (nay là báo Nhân Dân) ngày 11-3-1951.

Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo “Thanh Niên” làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng. Theo đó, ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo “Thanh Niên”xuất bản số đầu tiên.

Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đổi tên gọi ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”.

Người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam

Là tác giả của hàng nghìn bài báo được viết ra suốt hơn 50 năm hoạt động cách mạng, nhà báo Hồ Chí Minh luôn luôn chú ý đến đối tượng phục vụ. Những bài báo viết bằng tiếng Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX cho độc giả chủ yếu là người Pháp, những bài báo trên tờ "Việt Nam độc lập" nhằm vào đối tượng quần chúng công nông ở một địa bàn rừng núi chiến khu, rồi hàng trăm bài cho đông đảo độc giả trong cả nước - tất cả đều được viết ra cho phù hợp với trình độ đối tượng. Người chỉ rõ: Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng nhiều chữ.

Bác luôn đặt vấn đề “viết cho ai”, “viết để làm gì?” để định hướng nội dung, phương thức, sáng tạo các tác phẩm báo chí và xây dựng những tờ báo cách mạng.

Bác nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”3; và Bác quan niệm: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại thủ đô Hà Nội (5/1968). (Ảnh: TTXVN)

Bác quan niệm, công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phục vụ nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Vì vậy, những bài báo của Nhà báo Hồ Chí Minh dù ở thể loại nào, viết về vấn đề gì đếu có một sắc thái rất riêng, rất độc đáo, sáng tạo. Các bài báo của Người luôn có giá trị lý luận và thực tiễn cao; vừa đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, vừa có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc. Đó là phong cách Hồ Chí Minh, bình dị của một tầm vóc vĩ đại. Cùng với các tác phẩm báo chí xuất sắc, Bác Hồ còn để lại cho những người làm báo một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị - Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, gồm các quan điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, trách nhiêm, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để có một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị.

Trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949, Người nêu rõ: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5. Nội dung các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa...”.

Nhận thức sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng đối với đời sống xã hội, trong một số bài nói, bài viết, Bác Hồ đã khẳng định, báo chí cách mạng không có lợi ích gì khác, không có mục đích gì khác là phụng sự lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. Báo chí cách mạng của chúng ta là báo chí của giai cấp công nhân và đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Do đó: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ cho nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”.

Trải qua thực tiễn hoạt động cách mạng, với hơn nửa thế kỷ hoạt động sáng tạo báo chí, Bác Hồ - người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã để lại di sản báo chí vô cùng quý giá, thể hiện sinh động những quan điểm tư tưởng của Người về tôn chỉ, mục đích, về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng của báo chí cách mạng và nhiệm vụ, trách nhiệm, đạo đức của những người làm báo. Tấm gương sáng của Nhà báo Hồ Chí Minh trong thực hành nghề báo, với phong cách bình dị của một tầm vóc vĩ đại, cùng những lời dạy của Người về báo chí vẫn nguyên giá trị, chỉ đạo xuyên suốt quá trình phát triển vững mạnh của báo chí cách mạng Việt Nam và đội ngũ những người làm báo hiện nay.

Xây dựng một nền Báo chí Cách mạng và hiện đại

Hiện nay, báo chí Việt Nam đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 114 báo thực hiện hai loại hình, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH với 02 đài quốc gia (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam), 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, 64 đài địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng (Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội).

Trong ảnh phóng viên đang tác nghiệp lễ khai giảng tại trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng cây trong lễ khai giảng năm học mới.

Báo chí đang có những thay đổi căn bản trên nền tảng đa phương tiện với nhiều loại hình báo chí, thể loại báo chí, đặc biệt là báo điện tử, buộc nhà báo hiện đại phải thích nghi. Nhà báo ngày nay phải thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện. Không chỉ xử lý văn bản, hình ảnh, âm thanh mà còn xử lý các chương trình tương tác khác, vừa dàn dựng video, âm thanh và cả các kỹ thuật đăng tải, truyền dẫn, phát sóng... Tuy nhiên, trên hết cần phải hiểu rằng Đảng lãnh đạo báo chí, là tiếng nói của Đảng, các đoàn thể, tổ chức chính trị... nhưng cũng là diễn đàn của nhân dân.

Đứng trước những yêu cầu mới, thách thức của cơ chế thị trường với sự bùng nổ thông tin, của công nghệ hiện đại, báo chí cách mạng Việt Nam đã, đang và sẽ mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, mỗi nhà báo cần nắm vững, thấm nhuần tư tưởng báo chí cách mạng của Người, vận dụng sáng tạo vào hoạt động tác nghiệp của mình để xứng đáng là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, xây dựng lập trường chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.

Tự hào về truyền thống vẻ vang với những bước phát triển, trưởng thành vượt bậc và cống hiến to lớn trong suốt 99 năm qua, đội ngũ những người làm báo hôm nay càng nhận thức sâu sắc sứ mệnh, trọng trách của mình trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, trung thành tuyệt đối với mục tiêu và lý tưởng của Đảng, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu vươn lên, hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam vững mạnh, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

TIN LIÊN QUAN