Chủ động nắm bắt tình hình, giữ vững bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành kinh tế vĩ mô

(CL&CS)- Ngày 22/9, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2022. Một nội dung quan trọng được thảo luận tại phiên họp là tình hình kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Chính phủ nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo về các trọng tâm điều hành trong lĩnh vực phụ trách liên quan tới tình hình kinh tế vĩ mô thời gian tới.

Nội dung này được Chính phủ thảo luận trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp trong hai ngày 20-21/9 và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Tăng trưởng có xu hướng giảm, lạm phát có xu hướng tăng cao tại hầu hết các nước, trong đó có Mỹ, EU, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước ASEAN… Trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều nước nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, dẫn tới hệ quả là lạm phát tăng cao, khiến ngân hàng Trung ương thời gian qua nhiều nước phải tăng lãi suất.

Việc các nước tăng lãi suất làm ảnh hưởng tới nhiều nước khác về nợ công, xuất khẩu, thất nghiệp… Với Việt Nam, nền kinh tế có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn, nên một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước. Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… có xu hướng bị thu hẹp. Phản ứng chính sách của các nước cũng tác động tới tỉ giá, lãi suất, tín dụng, giá trị đồng tiền… của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đó, chúng ta dứt khoát không hoang mang, dao động; cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động nắm bắt tình hình, giữ vững bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành. Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đây là ưu tiên xuyên suốt, vừa trước mắt, vừa lâu dài.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện thật tốt Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới. Chỉ thị đã đánh giá, dự báo tình hình, đưa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài, phân công cụ thể cho từng ngành, từng cấp.

Trong đó, quán triệt quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ trên tinh thần chung là: (1) Bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định; (2) Giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, bất ngờ, khó lường; (3) Kiên định, nhất quán, phù hợp, hiệu quả trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; (4) Kiểm soát rủi ro, kịp thời ứng phó với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng; (5) Tạo dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

Về định hướng chính sách, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên. Tích cực hơn nữa, đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2%; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.

Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. BộTài chính tiếp tục chỉ đạo, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, nắm sát tình hình, phản ứng kịp thời chính sách, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công thuộc chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời góp phần thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước.

Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả cùng các chính sách khác, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng, thông tin; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu.

Làm tốt công tác quy hoạch, rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vấn đề phát sinh và các vấn đề tồn đọng một cách hiệu quả

Tiếp tục phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để tạo nền tảng vật chất cho ổn định và phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực thực phẩm; đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, khẳng định chuỗi giá trị toàn cầu về trái cây, lương thực, thủy sản… để "biến nguy thành cơ". Yêu cầu chung là "làm đủ ăn và có xuất khẩu".

Bộ Công Thương chủ trì thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy cả cung và cầu; đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, bảo đảm tuyệt đối an ninh về năng lượng, không để thiếu điện, xăng dầu. Yêu cầu chung là xuất đủ nhập và có thặng dư.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải chủ trì đẩy mạnh phát triển thị trường lao động bền vững, an toàn, hiệu quả; bảo đảm đủ lao động, không để thiếu lao động làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao, đón xu thế chuyển dịch về đầu tư; làm tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt chú trọng quan tâm người yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí phải nắm chắc tình hình, phản ánh đúng, trúng, khách quan, chân thực, chính xác tình hình, củng cố và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, chia sẻ, vượt qua khó khăn, thách thức trong cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc, toàn xã hội, sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự điều hành chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành.

Các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động xử lý các công việc, nhiệm vụ theo thẩm quyền; nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo cấp trên có thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giữ vững quốc phòng – an ninh, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Theo Thủ tướng, đây chính là những yếu tố nền tảng, xuyên suốt để chúng ta bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn./.

TIN LIÊN QUAN