Trên thị trường chứng khoán, một câu hỏi luôn được tất cả mọi người quan tâm "trồng con gì, nuôi con gì". Nhu cầu được "phím" hàng không chỉ ở nhà đầu tư F0, mà ngay cả những nhà đầu tư kỳ cựu cũng hay đi "nghe ngóng".
Nhiều cá nhân có trình độ cao, hiểu sâu về thị trường chứng khoán, thậm chí còn đang làm quản lý các quỹ đầu tư hay công ty chứng khoán, nhưng vẫn rất thích được môi giới (broker) phím hàng theo tin của đội lái. Đây là điều tự nhiên của con người, rất ít người có thể giữ được sự lạnh lùng khi thấy "cổ phiếu của người bên cạnh chạy tít mù, còn cổ phiếu của mình như rùa bò".
Vậy nhà đầu tư có nên bất chấp những điều được coi là nguyên lý tối thượng, để đuổi theo những cơn sóng "siêu phẩm" hay không? Thiết nghĩ đã đầu tư thì lợi nhuận phải là mục tiêu được đặt lên hàng đầu. Hàng lởm hay hàng cơ bản không thể chỉ là câu chuyện cảm quan, mà phải lấy thước đo tăng trưởng trong một thời gian đủ dài.
Thời gian gần đây có rất nhiều mã có sự tăng trưởng kỳ lạ, tăng liên tục trong thời gian dài, dù kết quả kinh doanh chưa tương xứng. Cũng có nhiều mã được mệnh danh là hàng chất, hàng cơ bản bởi tính lành mạnh trong quản trị của doanh nghiệp, bởi kết quả kinh doanh ấn tượng và tương lai tươi sáng trong vài năm tiếp theo... nhưng giá cổ phiếu "lỳ", thậm chí còn giảm dù VN-Index phá đỉnh.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ phương pháp và cách ứng xử trong những trường hợp này: “Tôi đã nhiều lần nhắc về lý thuyết "Cân bằng bất xứng". Vế "bất xứng" luôn đi trước. Có nghĩa là trong một chu kỳ uptrend, không bao giờ các dòng, các cổ phiếu trong một nhóm ngành, đi cùng nhau. Sẽ có sự đột biến do vài câu chuyện như dòng tiền, game nào đó.
Nhưng sự "cân bằng" sẽ trở lại. Những mã bị bỏ rơi, giá sẽ trở lên rẻ so với tương quan Index và tương quan mặt bằng giá chung. Nhất là nếu những mã bị "lạnh nhạt" đó lại thuộc về loại hàng có cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng về lợi nhuận và có những hưởng lợi vĩ mô.
Nông dân nuôi heo phải chăm bẵm hàng ngày, kiên nhẫn chờ con heo lớn lên, bán để có tiền. Đầu tư cái gì cũng vậy, phải kiên trì và thực sự tin tưởng. Tuy nhiên, kiên trì trong đầu tư không có nghĩa là cố chấp. Nếu trong thời gian quá dài, thị trường đánh giá mã không tốt, thì nên xem xét lại. Nếu nhận thấy rằng đó chỉ là những nguyên do không cốt lõi, lúc đó nên bình tĩnh nắm giữ tiếp hoặc xem xét mua thêm khi về vùng quá rẻ”.
Ở một khía cạnh khác, sẽ xuất hiện câu hỏi "có nên tham gia hàng nóng, siêu sóng" hay không? Ông Nguyễn Hồng Điệp cho rằng: “Là nên, rất nên. Nhưng phải phân bổ tỷ trọng hợp lý. Chỉ nên dùng khoảng tối đa 30% NAV để theo đuổi những game đang hút tiền. Ngoài việc giữ kỷ luật về tỷ trọng, cũng phải xây dựng nguyên tắc "không tắm 2 lần trên 1 dòng sông" đối với những loại hàng này.
Có nghĩa là nếu "nó cho ăn" hãy cứ tận hưởng, nhưng đừng tham để quay lại ăn lần nữa. Vì nhiều khả năng đó sẽ là cú sụp bẫy, kẹp hàng vĩnh viễn. Việc bán quyết liệt không quay đầu nhìn là rất nên làm đối với hàng theo sóng ngắn, thiếu yếu tố vĩ mô hay nội tại.
Trong những cơn sóng được tạo ra bởi kỳ vọng vĩ mô, ví dụ như sóng dòng bất động sản, đầu tư công hay dầu khí hiện nay, sẽ có những cổ phiếu chạy rất dài, được tính bằng năm. Nhưng cũng có những cổ phiếu dựa hơi, tăng hơi quá đà so với mặt bằng chung của ngành, cũng như so với tăng trưởng nội tại doanh nghiệp. Phải phân biệt được những loại hàng như thế”.
Ông Nguyễn Hồng Điệp kết luận: “Rất ít người trên đời đi bán những căn nhà trung tâm, thuận tiện để đi mua những căn nhà xa xôi, hẻo lánh. Trong một giai đoạn nhất định, có thể đôi lúc miền ngược sẽ hấp dẫn vô cùng, nhưng cơ bản vẫn phải trở về xuôi. Đừng để cảm xúc chi phối quá nhiều, kẻo "bán bò tậu ễnh ương". Những con ễnh ương có thể ca vang trời được một lúc, nhưng khi màn đêm qua đi, bình minh sẽ đến, tất cả sẽ được trở lại đúng giá trị.
Đầu tư nói chung, chứng khoán nói riêng là một lĩnh vực đòi hỏi học thuật, trí tuệ và bản lĩnh. Tâm lý luôn tác động rất mạnh vào những quyết định của chúng ta. Hãy thật kiên nhẫn, tỉnh táo không bị FOMO chiều bán lẫn chiều mua”.