Cá nhân kinh doanh tự kê khai, nộp thuế…
Chợ làng Time, Chợ cư dân Royal city, Chợ cư dân The Vesta, Cộng đồng cư dân Ô Chợ Dừa… là những chợ online đang “ăn nên làm ra” trong ”mùa” COVID-19. Không chỉ bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của cư dân trong thời gian thực hiện giãn cách, nhiều chợ còn nhận oder những mặt hàng đang sale ở nước ngoài hay các mặt hàng đắt tiền như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng…
Chia sẻ về công tác QLT đối với các đối tượng này, mới đây Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) khẳng định, cá nhân bán hàng online thuộc diện điều chỉnh của pháp luật về thuế đối với cá nhân kinh doanh.
Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính (ngành Thuế) đã chủ động triển khai các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, phối hợp với các cơ quan có liên quan để khai thác thông tin từ đó đôn đốc cá nhân có hoạt động kinh doanh online tự kê khai, nộp thuế theo quy định.
“Đối với trường hợp cá nhân kinh doanh online đã thuộc diện quản lý của Cơ quan thuế thì cập nhật thông tin về giao dịch trên mạng của cá nhân kinh doanh để làm cơ sở điều chỉnh doanh thu kinh doanh nếu chưa phù hợp. Đồng thời đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật về QLT theo hướng tăng cường trách nhiệm của người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các giải pháp QLT trong thời gian qua đã dần đưa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung và kinh doanh online vào nề nếp.,,”- Bộ Tài chính khẳng định
Tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù hụt thu
Theo Bộ Tài chính, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi, cân đối NSNN năm 2021.
Để ứng phó với dịch bệnh, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất năm 2020 và 2021 để hỗ trợ cho DN, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Dự kiến tổng giá trị gói hỗ trợ là trên 139 nghìn tỷ đồng (trong đó gia hạn thuế, tiền thuê đất khoảng 115 nghìn tỷ đồng; miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền chậm nộp khoảng 24,3 nghìn tỷ đồng).
Mặc dù kết quả thu NSNN 9 tháng ước đạt 80,2%, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2020; tuy nhiên, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, thu nội địa từ thuế và phí có xu hướng giảm (tháng 6 tăng 9,1%, tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21% và tháng 9 giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu các tháng 8 và 9 cũng giảm mạnh.
Trong tháng 9, tình hình kiểm soát dịch COVID-19 đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, dự báo dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động làm giảm thu và tăng chi NSNN cho phòng, chống dịch.
Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, qua đó tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện, để bù đắp số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cân đối NSNN năm 2021.
Bên cạnh đó, tiếp tục huy động thêm các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng DN, người dân để chi cho công tác phòng chống COVID-19, giảm áp lực cho cân đối NSNN.