Thêm trường hợp xe máy được "chở 3"
Hiện tại, Khoản 1 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở 1 người, trừ những trường hợp sau sẽ được chở tối đa 2 người:
a) Chở người bệnh đi cấp cứu;
b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trẻ em dưới 14 tuổi.
Tuy nhiên, từ 1/1/2025, khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 chính thức có hiệu lực, nội dung này có bổ sung và điều chỉnh. Cụ thể, Khoản 1 Điều 33 điều chỉnh độ tuổi của trẻ em mà tài xế được cho phép chở, từ 14 xuống 12 tuổi. Luật mới cũng bổ sung một trường hợp xe mô tô 2 bánh và xe gắn máy chở 3 người mà không bị phạt, đó là "người già yếu hoặc người khuyết tật".
Như vậy, sắp tới, tài xế xe mô tô hai bánh, xe gắn máy được chở hai người trong 4 trường hợp sau:
- Chở người bệnh đi cấp cứu;
- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
- Trẻ em dưới 12 tuổi;
- Người già yếu hoặc người khuyết tật.
Theo Khoản 1, Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Còn về khái niệm "người già yếu", pháp luật chưa có quy định cụ thể. Trong các bộ luật, đạo luật hiện hành tồn tại nhiều khái niệm gồm: "người cao tuổi" quy định tại Luật Người cao tuổi năm 2009; "người lao động cao tuổi" tại Bộ luật Lao động năm 2019 và Bộ luật Hình sự năm 2015 đề cập tới 3 khái niệm là "người từ đủ 70 tuổi trở lên", "người già yếu", "người quá già yếu".
Chở quá số người quy định bị phạt thế nào?
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, việc chở quá số người quy định trên xe gắn máy sẽ có hai trường hợp xử phạt như sau:
- Chở 2 người có thể bị xử phạt 300.000-400.000 đồng.
- Chở từ 3 người trở lên có thể bị xử phạt 400.000-600.000 đồng.
Đặc biệt, nếu gây tai nạn giao thông, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2-4 tháng.