Chính thức thông xe tuyến đường 'huyết mạch' nối trung tâm Hà Nội tới sân bay lớn nhất miền Bắc Việt Nam

Các dự án này sẽ hỗ trợ tốt cho các hoạt động chính trị, ngoại giao quan trọng, nâng cao khả năng phòng chống lũ của tuyến đê hữu Hồng, bảo vệ Thủ đô.

Sáng nay (ngày 4/10), UBND TP. Hà Nội đã tổ chức lễ gắn biển và thông xe dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên (giai đoạn 2), đồng thời cải tạo, nâng cấp đường Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ.

Theo đó, dự án cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Trong giai đoạn 2, thành phố đầu tư đồng bộ tuyến đường Âu Cơ, từ lối vào Khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân với tổng chiều dài khoảng 3,7km và tổng mức đầu tư 544 tỷ đồng.

Cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên (giai đoạn 2) chính thức được thông xe

Về dự án cải tạo, nâng cấp đường Xuân Diệu, công trình có tổng vốn đầu tư hơn 388,4 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 291,5 tỷ đồng. Tuyến đường này dài khoảng 1,1km.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng hai dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực giao thông của thành phố, tăng cường kết nối giữa trung tâm và khu vực Tây Bắc Hà Nội cũng như Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Đồng thời, các dự án này sẽ hỗ trợ tốt cho các hoạt động chính trị, ngoại giao quan trọng, nâng cao khả năng phòng chống lũ của tuyến đê hữu Hồng, bảo vệ Thủ đô.

Ông Tuấn giao Sở Xây dựng nghiệm thu công trình để chủ đầu tư thực hiện bàn giao và tiếp nhận hệ thống chiếu sáng, trang trí, cây xanh, thoát nước. Sở Giao thông Vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức giao thông đồng bộ với hạ tầng khu vực.

Quận Tây Hồ được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, duy tu và duy trì công trình hạ tầng theo phân cấp quản lý; đồng thời nghiên cứu phương án chỉnh trang tuyến phố, đảm bảo trật tự và văn minh đô thị.

Sân bay quốc tế Nội Bài là sân bay quốc tế lớn nhất ở miền Bắc, phục vụ chính cho Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Sân bay nằm trên địa phận huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 35km.

Theo Quyết định số 590/2008 của Chính phủ về quy hoạch sân bay Nội Bài, đến năm 2020, sân bay có tổng công suất đạt 20-25 triệu hành khách/năm, trong đó nhà ga T1 đạt 7,2-10 triệu/năm; nhà ga quốc tế T2 đạt 10-15 triệu/năm. Theo định hướng sau năm 2020, nhà ga hành khách T1 và T2 sẽ đạt công suất 25 triệu hành khách/năm. Dự kiến sẽ xây dựng thêm nhà ga hành khách T3 và T4, nhằm nâng tổng công suất của sân bay lên 50 triệu hành khách/năm.