Chính sách đang có chưa đủ để sớm phục hồi như trước khi có dịch

(CL&CS) - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ có quy mô, nguồn lực đủ lớn, khả thi, kịp thời.

“Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid – 19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số” là chủ đề phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 lần thứ 3.

Một nội dung được đặc biệt quan tâm trong phiên tọa đàm cấp cao này là Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19.

Khi trình bày về khung chính sách phục hồi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, trong 2 năm liên tiếp đối phó với đại dịch Covid-19, nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, duy trì và ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Toàn cảnh Diễn đàn - Ảnh Thành Chung

Đến nay, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã phát huy ngay hiệu quả và tác động tích cực đến nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cơ hội về thời điểm, phù hợp để thực hiện các giải pháp, chính sách có tính toàn diện, mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy nhanh phục hồi và phát triển KTXH.

“Các chính sách đã đưa ra rất kịp thời có có ý nghĩa nhưng là chưa đủ về phạm vi, quy mô để nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch”, Thứ trưởng Phương nói.

Nhấn mạnh sự cần thiết cần  thiết của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là rất cần thiết, Thứ trưởng Phương phát biểu: Nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch.

Suy giảm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển KTXH hằng năm, các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ có quy mô, nguồn lực đủ lớn, khả thi, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Trong đó có một số chính sách có tác động trong trung và dài hạn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, năng lực nội tại, hỗ trợ cơ cấu lại nền kinh tế.

Thứ trưởng Phương cho biết chương trình có 03 mục tiêu chủ yếu:  Khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng,phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn;

Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng. Và bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Chương trình này có 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đó là:

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch. Trong đó triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, hoàn thiện quy định phòng, chống dịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiết giảm chi phí.

Và thí điểm và thực hiện lộ trình mở cửa phù hợp đối với du lịch, vận tải hàng không, các dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật, gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.  

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm trong đó trọng tâm là:  Hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; tiếp tục rà soát, có chính sách hỗ trợ phù hợp người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Bên cạnh đó là giải pháp cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên, cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.  Hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, với việc tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ,  tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và hỗ trợ lãi suất cho vay hợp lý trong một số ngành, lĩnh vực, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có sức lan tỏa lớn, tác động nhanh.   

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Để triển khai thực hiện các mục tiêu, giải pháp nêu trên, dự thảo Chương trình đã đề xuất các công cụ chính sách, trong đó, tập trung công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ đặt trong bối cảnh tổng thể, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai, sớm chuyển hóa tác động của Chương trình tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Dự thảo chương trình hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai tiếp thu, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Tính riêng năm 2021, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là khoảng 138 nghìn tỷ đồng, trong số tiền được miễn, giảm là 23 nghìn tỷ đồng, gia hạn là khoảng 115 nghìn tỷ đồng.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm nhu cầu vốn vay của nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Ngoài ra, thực hiện các chính sách hỗ trợ giá điện, tiền điện, nước, viễn thông... cho doanh nghiệp, người dân.

TIN LIÊN QUAN