Chính phủ đề xuất 4 chính sách cấp bách liên quan Luật Bảo hiểm y tế

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ lo ngại về việc có đến 120 tồn tại trong Luật BHYT hiện hành, nhưng Chính phủ chỉ đề xuất sửa một số nội dung cấp bách trong lần trình này.

Chiều 22/8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc bổ sung Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vào chương trình kỳ họp tháng 10 tới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật này vào chương trình năm 2024 và trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp cuối năm nay. Sau 15 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, bao gồm vấn đề người tham gia, phạm vi hưởng lợi, mức đóng, quản lý quỹ, giám định BHYT, cùng với việc thiếu cơ chế giải quyết tranh chấp và chế tài đủ mạnh để đảm bảo thực thi pháp luật.

Có 120 tồn tại trong Luật BHYT hiện hành, Quốc hội xem xét sửa đổi 4 chính sách cấp bách. Ảnh: Internet

Để khắc phục những tồn tại này, dự thảo Luật sửa đổi tập trung vào bốn nhóm chính sách lớn: điều chỉnh diện tham gia, phạm vi hưởng lợi, cân đối quỹ và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT. Cụ thể:

Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan.

Điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn.

Điều chỉnh các quy định về BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Phân bổ sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả.

Dự thảo cũng hướng tới việc phân cấp chuyên môn kỹ thuật và tăng cường vai trò của y tế cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết Ủy ban cơ bản đồng tình với việc điều chỉnh diện tham gia BHYT để đồng bộ với diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ông đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo người lao động tham gia BHYT bắt buộc có thể chuyển sang BHYT tự nguyện trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT trong trường hợp phải tự mua thuốc hoặc vật tư y tế thuộc danh mục BHYT chi trả do cơ sở y tế thiếu thuốc hoặc vật tư.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ lo ngại về việc có đến 120 tồn tại trong Luật BHYT hiện hành, nhưng Chính phủ chỉ đề xuất sửa một số nội dung cấp bách trong lần trình này. Ông yêu cầu Bộ Y tế làm việc tích cực để trình Thường vụ Quốc hội hồ sơ tài liệu trong tháng 9, nhằm đảm bảo kịp thời thẩm tra.

TIN LIÊN QUAN