Chiêm ngưỡng đầu máy xe lửa hơn 50 tuổi, nặng 100 tấn, biểu tượng một thời của đường sắt Việt Nam

Biểu tượng của ngành đường sắt sẽ được trưng bày tại Long Biên, trong khuôn khổ lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

 

Các đầu máy xe lửa hơi nước có tuổi đời trên 50 năm, đã từng tham gia chiến tranh chống Mỹ, sẽ được trưng bày tại khuôn viên của Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Long Biên) từ ngày 17/11 đến 26/11. Đây là điểm nổi bật trong khuôn khổ của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 nhằm thúc đẩy sự đổi mới từ di sản, đặc biệt là di sản công nghiệp, biến chúng thành không gian sáng tạo.

Trong khuôn viên của nhà máy, đặc biệt nổi bật là đầu máy xe lửa Tự Lực, có số hiệu 141-179. Được thiết kế để chạy trên đường ray có chiều rộng 1m, chiều dài khoảng 19m (bao gồm cả xe than) hoặc 11,5m (không tính xe than); chiều rộng là 2,75m, chiều cao là 3,8m, và trọng lượng xấp xỉ 100 tấn (bao gồm cả than và nước).

Chiếc đầu máy này được lắp ráp năm 1964 tại Nhà máy xe lửa Nguyễn Văn Trỗi ở Gia Lâm, Hà Nội, theo kiểu dáng công nghệ của thương hiệu đầu máy Mikado nổi tiếng. Trong lịch sử, đã có có khoảng 50 chiếc đầu máy chủng loại này mang tên Tự Lực được sản xuất để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở miền Bắc.

Những năm chiến tranh chống Mỹ leo thang, việc chế tạo đầu máy xe lửa tạm hoãn, những chiếc xe lửa “ra sức thi đua” vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực… chi viện cho chiến trường miền Nam. Đầu máy với nồi hơi ở trên cùng, sau khi đốt cháy than, gỗ sẽ làm cho nước hoá hơi, hơi nước làm piston di chuyển qua lại, piston lại gắn liền với trục quay chính của đầu máy của tàu sẽ giúp cho tàu chạy.

So với những chiếc đầu máy Tự Lực được phục chế và trưng bày ở TP.HCM và Đà Nẵng, đầu máy Tự Lực 141-179 đang nằm tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong tình trạng xuống cấp. Thiết kế đặc trưng tạo nên cái tên 141-179 là 4 cặp bánh chủ động (đầu máy có một cặp bánh dẫn hướng, 4 cặp bánh chủ động và một cặp bánh theo sau). Các cặp bánh chủ động nhận lực từ động cơ hơi nước để tạo ra lực kéo đoàn tàu.

Chiếc đầu máy xe lửa mang số hiệu 141 - 179 đã có thời gian được đặt làm tượng đài đầu máy tại Quảng trường ga Vinh và dự kiến sẽ được đưa về Bảo tàng Hà Nội với mong muốn tiếp tục lan tỏa những giá trị lịch sử. Những chiếc đầu máy mang tên Tự Lực nói chung và chiếc đầu máy 141 - 179 nói riêng là một biểu tượng đáng tự hào của ngành đường sắt Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ triển lãm, các nhà xưởng và khu vực kho bãi tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã trải qua quá trình cải tạo và được thiết kế mục đích làm nơi tổ chức các sự kiện nghệ thuật và âm nhạc. Đây là địa điểm tổ chức hàng loạt hoạt động sáng tạo như trình diễn cổ phục "Vân Long lưu vũ", show nhạc Rock "Dòng chảy", show Acoustic "Giai điệu tự hào", buổi trình diễn âm thanh "Âm cảnh Ga Hà Nội", cũng như các sự kiện nghệ thuật "Đường trường" và "Đối thoại Đôi bờ".

Các không gian tường văn phòng được vẽ tranh để phục vụ cho triển lãm

TIN LIÊN QUAN