Chỉ số tiêu dùng tăng 1,47% trong 6 tháng đầu năm 2021

(CL&CS)- Sáng ngày 2-7, tại Hà Nội, Học viện Tài chính (Viện kinh tế - tài chính) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021”.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích phân tích rõ hơn diễn biến của thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2021, những yếu tố cơ bản, những nguyên nhân chủ yếu tạo ra bức tranh thị trường trong thời gian qua.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Trương Thị Thủy, Phó giám đốc Học viện Tài chính cho biết, kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tiếp đà những kết quả quan trọng đã đạt được của năm 2020 như: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, thời tiết tương đối thuận lợi, sản xuất kinh doanh đạt những kết quả quả khá tốt... Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4-2021 và vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để đạt mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh; vừa phát triển kinh tế”.

Cũng tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, chỉ số tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Sở dĩ CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng là do so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước tăng 17,01%; giá gas tăng 16,51%; giá dịch vụ giáo dục tăng 4,47%; giá gạo tăng 6,97%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 5,03%,…

Cũng theo PGS, TS Nguyễn Bá Minh, các nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2021 là: Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,39% so với cùng kỳ năm trước, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19; nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 2,85% so với cùng kỳ năm trước; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm….

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Phòng Chính sách Tổng hợp, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, một số yếu tố tác động làm gia tăng áp lực lên mặt bằng giá trong 6 tháng qua là giá một số nguyên, nhiên, vật liệu có xu hướng tăng cao như: xăng, dầu, thép, vật liệu xây dựng, vật tư nông thôn. Giá một số mặt hàng nông sản giá gạo, giá đường... tăng. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết cũng khiến mặt bằng giá tháng 2 ở mức cao song lại trở lại bình thường sau Tết. Mức chi trả điện nước bình quân theo luỹ tiến tăng do nhu cầu sử dụng điện nước tăng.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý giá cũng chỉ ra một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh ổn định; tác động từ chính sách hỗ trợ người dân; việc giữ ổn định giá nhiều mặt hàng trong diện nhà nước quản lý giá; các chính sách tiền tệ, tín dụng được triển khai linh hoạt giúp lạm phát cơ bản trong tầm kiểm soát. 

Theo các chuyên gia kinh tế CPI những tháng đầu năm là khá ổn so với mục tiêu cả năm 2021. Nếu không có những yếu tố đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, không thể chủ quan với những diễn biến còn hết sức phức tạp của 6 tháng cuối năm.TS. Nguyễn Đức Độ nhận định, tổng cầu yếu do dịch COVID-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao. Do đó, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, mục tiêu kiểm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được. Dù vậy, tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện nay không hẳn là điều đáng mừng.Theo TS. Nguyễn Đức Độ nếu tốc độ tăng giá được duy trì trong thời gian còn lại của năm, mỗi tháng khoảng 0,27%, thì lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12/2021; đồng thời, lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 2,12%. Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2021 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.

Tại hội thảo, bên cạnh việc trình bày các tham luận, các đại biểu đã cùng nhau phân tích một cách thẳng thắn, sâu sắc và khoa học về các khía cạnh liên quan đến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm 2021.

Thế Anh

TIN LIÊN QUAN